Trưa giữa tháng 6, Hồng Ngân dẫn xe máy ra khỏi nhà sau nhiều ngày "bế quan" vì quận Gò Vấp thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Cô dự tính chạy ra chợ Phạm Văn Bạch mua một ít nhu yếu phẩm cho gia đình.
Tuy nhiên, khi Ngân vừa đi được 100 m đã thấy có điều gì đó khác thường. Con hẻm cạnh bên nhà Ngân đang được lực lượng chức năng rào chắn. Tấm biển đỏ in dòng chữ “Khu vực cách ly tạm thời” khiến Ngân bất giác giật mình. Cô tặc lưỡi: “Bây giờ chỉ mong mỗi sáng thức dậy, không thấy y tế phường tới trước nhà giăng dây”.
Trải qua hơn nửa tháng giãn cách xã hội, chuỗi lây nhiễm điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, những ngày qua TP.HCM liên tục ghi nhận các ca dương tính tại khu công nghiệp, và Covid-19 đã tấn công vào tận Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM... Đặc biệt, xuất hiện nhiều ca nhiễm không rõ nguồn lây khiến một số khu vực bất ngờ bị phong tỏa.
Tiến thoái lưỡng nan
“Welcome to Phong Tỏa Airline!”, anh dân quân trẻ tuổi hài hước chào Minh Tuấn khi chàng trai vừa về đến đầu hẻm 100/34 đường Lê Quang Định (quận Bình Thạnh). Nam thanh niên 27 tuổi nửa cười nửa mếu, không khỏi bối rối khi nhìn thấy con hẻm nhà mình bị giăng dây, phong tỏa trong đêm.
Tôi cập nhật tin tức mỗi ngày, nghe mọi người âm tính, cũng phần nào yên tâm.
Minh Tuấn
Trên tuyến đường Nguyễn Thiện Thuật (quận Bình Thạnh) vừa có 2 ca dương tính với Covid-19, lực lượng chức năng buộc phải phong tỏa khu vực lân cận trong bán kính 100 m.
Đồng cảnh ngộ với Tuấn là một cô nhân viên ngân hàng. Họ đứng trước 2 lựa chọn: Một là vào nhà và ở đó đến hết thời gian phong tỏa, hai là tìm chỗ ở bên ngoài đến khi hết lệnh cách ly.
“Làm sao đây anh?”, cô nhân viên ngân hàng hỏi Tuấn. Thế rồi cả hai đi bộ sang công ty của Tuấn cách đó không xa, trên đường Lê Quang Định. Ngồi một lúc, cô nhân viên ngân hàng quyết định vào nhà, suy cho cùng công việc sổ sách có thể làm từ xa. Còn Tuấn, vì tính chất công việc, anh chọn phương án ở lại công ty.
Không ít người dân ở TP.HCM bối rối khi khu vực họ sinh sống bất ngờ bị phong tỏa. Ảnh: Phạm Ngôn. |
“Tôi suy nghĩ rất nhiều, thật sự tiến thoái lưỡng nan. Công việc dựng phim nếu làm ở nhà thì rất bất tiện, vì thiếu máy móc, đường truyền kém... Tối hôm đó, tôi nhờ hàng xóm lấy giúp một ít đồ sinh hoạt cần thiết, rồi dọn đến studio của công ty ở tạm”, Tuấn kể, không quên nhờ mọi người chăm sóc giúp hai cây xanh vừa mua.
Đêm đầu tiên ở lại công ty, anh ngủ trên chiếc ghế xếp, tâm trạng nhiều phần lo lắng, nhưng sang đêm thứ 2, Tuấn dần thích nghi.
“Giống như Robinson ngoài đảo hoang vậy, phải làm quen với thiếu thốn. Tôi cập nhật tin tức mỗi ngày từ xóm trọ, nghe tin mọi người âm tính, cũng phần nào yên tâm”, Minh Tuấn nói trong lúc mở tấm lịch đếm ngược từng ngày được trở về nhà.
Sống giữa hai vùng phong tỏa
Không gặp tình huống dở khóc dở cười như Minh Tuấn, nhưng Hồng Ngân (29 tuổi) cũng một phen hốt hoảng khi bị kẹt giữa hai vùng phong tỏa.
Mọi người đã quen với cuộc sống giãn cách.
Hồng Ngân
Gia đình Hồng Ngân ngụ tại hẻm 256/36 Phan Huy Ích (Gò Vấp), đầu tháng 6 dãy nhà trọ ở hẻm 256/10 bị phong tỏa do có ca nhiễm. Một tuần sau, hẻm 256/42 cũng bị "giăng dây". Ngân chia sẻ lúc đầu mọi người lo lắng, cảm giác dịch ở sát bên nhà, nhưng rồi cũng thích nghi. Người trong xóm bảo nhau nên mua lương thực dự trữ, bởi hẻm có thể bị phong tỏa bất cứ lúc nào.
“Giờ đây mọi người đã làm quen với cuộc sống giãn cách. Ngày trước, mỗi buổi chiều bà con trong xóm thường ngồi lại trò chuyện với nhau, bây giờ nhà ai nấy ở, nói chuyện qua khung cửa sắt”, chị Ngân kể.
Trước tình trạng dịch bệnh còn phức tạp, người dân trong tâm thế có thể bị cách ly bất cứ lúc nào. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Ngày 14/6, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo tiếp tục giãn cách thành phố thêm 2 tuần theo Chỉ thị 15.
Nhiều người dân thành phố bày tỏ sự ủng hộ trước quyết định này, dù thời gian dài giãn cách khiến cuộc sống và công việc của họ gặp không ít trở ngại.
“Tôi đọc báo thấy có nhiều ca nhiễm không rõ nguồn gốc. Vậy nên, tôi nghĩ quyết định kéo dài giãn cách của thành phố là hợp lý. Thà bây giờ chịu khó ở trong nhà thêm một thời gian, chứ để dịch lây lan rộng thì còn khổ hơn nữa”, ông Minh Quân (47 tuổi, Phú Nhuận) nói.
Anh Chí Dũng (ngụ quận 3) đã làm việc ở nhà gần 2 tuần, ngoài những lúc nhận đồ từ shipper, đa phần thời gian anh sinh hoạt trong phòng trọ. Mặc dù khá bí bách, anh chưa yên tâm ra đường, khi các ca nhiễm vẫn tăng từng ngày.
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM chiều 15/6, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tỏ rõ sự lo lắng trước số ca nhiễm phát hiện qua khám sàng lọc ngày càng tăng. Ông khẳng định giải pháp hiện nay là tăng cường kiểm soát, xét nghiệm diện rộng với các chuỗi chưa xác định nguồn lây.
Kết luận tại buổi họp, Chủ tịch TP Nguyễn Thành Phong đề ra 5 giải pháp mà thành phố cần tập trung thực hiện từ nay đến 21/6.
Nhiệm vụ trước mắt là tăng cường kiểm tra, tầm soát diện rộng các chuỗi lây nhiễm này.
Thứ hai, yêu cầu lấy mẫu xét nghiệm diện rộng với các khu chế xuất, khu công nghiệp.
Thứ ba là giám sát, tầm soát nơi có nguy cơ cao như chuyến bay quốc tế, quốc nội, tàu lửa, tàu hàng hải nhập cảnh vào thành phố.
Giải pháp thứ tư là tổ chức cách ly y tế cho người nhập cảnh, người tiếp xúc với các ca bệnh và người về từ vùng dịch.
Cuối cùng, về tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch Covid-19, thành phố đã hình thành tổ công tác về mua và tổ chức tiêm vaccine.