Việt Nam sẽ thiếu hụt khoảng 40.800 trẻ sơ sinh gái mỗi năm

Chọn lọc giới tính khí sinh đã khiến Việt Nam thiếu hụt trẻ sơ sinh gái. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang là mối quan tâm lớn khi hệ lụy là có tác động tiêu cực đến hôn nhân và gia đình, trật tự an toàn xã hội.

Thiếu hụt trẻ gái, dư thừa 1,8 triệu đàn ông

Báo cáo Thực trạng Dân số thế giới năm 2020 cho thấy, ước tính Việt Nam sẽ thiếu hụt khoảng 40.800 trẻ sơ sinh gái mỗi năm.

Theo báo cáo, từ năm 2006, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam đã luôn ở mức trên 110 trẻ trai/100 trẻ gái (mức tỷ số sinh đẻ tự nhiên bình thường là từ 104-106 bé trai/100 bé gái). Đặc biệt, theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, con số này ở một số tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng khá cao như: Bắc Giang (126,3/100), Hà Nam (125,3/100), Hưng Yên (123,6/100), Hòa Bình (121,8/100), Sơn La (121,8/100)… Việt Nam được xếp vào danh sách các quốc gia có tỷ lệ mất cân bằng giới tính cao nhất thế giới. Tại châu Á, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh của Việt Nam đứng thứ 3, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Việc mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ gây hiện tượng dư thừa nam giới trong tương lai. Giả thiết tỷ số mất cân bằng giới tính vẫn tiếp tục diễn ra thì đến năm 2034, chúng ta sẽ dư thừa khoảng 1,5 triệu đàn ông trong độ tuổi 15- 49 tuổi; đến năm 1959 sẽ dư thừa khoảng 1,8 triệu đàn ông.

Việt Nam sẽ thiếu hụt khoảng 40.800 trẻ sơ sinh gái mỗi năm ảnh 1

Việt Nam sẽ thiếu hụt khoảng 40.800 trẻ sơ sinh gái mỗi năm

Việc này có thể làm phá vỡ cấu trúc gia đình, đàn ông không lấy được vợ sẽ ảnh hưởng đến quan hệ gia đình. Chưa kể điều này còn gây ảnh hưởng đến kinh tế, khi với cơ cấu giới tính thừa nam, thiếu nữ sẽ gây thiếu hụt phụ nữ trong các ngành nghề cần lao động nữ như: Giáo dục, công nghiệp may mặc… gây ảnh hưởng nhiều đến việc tăng năng suất lao động.

Về an ninh chính trị cũng gây những hệ lụy khó lường như các tệ nạn như mại dâm, buôn bán phụ nữ… Nếu không có giải pháp kịp thời, các hệ lụy trên rất dễ xảy ra.

Đáng lo ngại là tình trạng mất cân bằng giới tính sẽ làm sâu sắc thêm vấn đề bất bình đẳng giới và các trẻ em gái chính là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, việc tạo điều kiện để các trẻ em gái bước vào giai đoạn trưởng thành một cách an toàn và bình đẳng là vô cùng cần thiết.

Bảo vệ quyền của các em gái bảo đảm một tương lai công bằng

Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) nhận định: Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đó là hành vi lựa chọn giới tính thai nhi của các cặp vợ chồng. Mong muốn có con trai hiện nay không chỉ dừng ở biểu hiện tâm lý mà đã thể hiện thành hành động tìm kiếm con trai.

Các quan niệm xã hội và tín ngưỡng đòi hỏi con trai phải gánh vác việc thờ cúng tổ tiên; con trai giúp củng cố địa vị của cha mẹ trong xã hội; đứa con sinh ra phải mang họ của bố; người chồng thường là chủ hộ trong gia đình, có quyền quyết định những việc lớn… vì thế, vị thế của người phụ nữ không được coi trọng, trong khi chính sách sinh ít con kéo dài... Tất cả những điều đó đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi cá nhân, các cặp vợ chồng, gia đình và dòng họ…

Theo đó, giải pháp then chốt nhằm ngăn chặn tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh là phải tăng cường công tác bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức của người dân, phát huy hơn nữa sự tham gia của nam giới vì bình đẳng giới. Đồng thời, cần có những hành động thiết thực bảo vệ trẻ em để các em sinh ra được bình đẳng, dù là trai hay gái.

Quan tâm tới trẻ em gái bảo vệ tương lai công bằng

Quan tâm tới trẻ em gái bảo vệ tương lai công bằng

Các chuyên gia cũng cho rằng, khi các trẻ em gái được trao quyền tự quyết định cuộc sống của mình, các em sẽ có nhiều cơ hội phát huy tiềm năng, trở thành nhân tố tích cực tạo ra sự thay đổi trong gia đình, cộng đồng và đất nước. Vì vậy, bảo vệ quyền của các trẻ em gái hôm nay là bảo đảm một tương lai công bằng hơn.

Các nhà hoạt động xã hội cũng kêu gọi sự quan tâm, đầu tư và hành động nhiều hơn nhằm hỗ trợ trẻ em gái; tăng cường nguồn lực và đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên, bao gồm cả mạng lưới, tổ chức hỗ trợ giáo dục có chất lượng hòa nhập, ưu tiên phúc lợi cho các em. Bên cạnh đó là hoạt động cải thiện khả năng tiếp cận và tiếp nhận các dịch vụ hòa nhập lấy trẻ em gái vị thành niên làm trung tâm mọi lúc, đặc biệt là trong ứng phó và khắc phục khủng hoảng; tăng cường cam kết của cộng đồng trong việc nâng cao nhận thức và giải quyết các vấn đề còn tồn tại liên quan đến trẻ em gái.

Đồng thời, chia sẻ những câu chuyện về trẻ em gái tiêu biểu; hình thành mạng lưới và tổ chức truyền cảm hứng cung cấp nguồn lực cho trẻ em gái, thu hút các nhà đầu tư nhằm giải quyết các bất bình đẳng, đặc biệt trong tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ sức khỏe tâm thần và tâm lý khi đối mặt với xung đột, di cư cưỡng bức, thiên tai và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu…

Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đẩy mạnh tuyên truyền về các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi; các địa phương tăng cường tuyên truyền, giáo dục về thực trạng, nguyên nhân và hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; vận động từng bước làm thay đổi nhận thức và tư tưởng lạc hậu về sinh con trai, con gái...

Theo Đời sống
Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Cục máu đông, hay còn gọi là huyết khối, nếu xảy ra trong mạch máu của các cơ quan trong cơ thể, nó sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe nguy hiểm và đôi khi có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
back to top