Viêm dạ dày do HP cần được phòng ngừa lây như lao

(khoahocdoisong.vn) - Anh Nguyễn T.T. (49 tuổi, quận Tân Bình) thời gian qua bị trào ngược dạ dày thực quản nên đã đi khám. Các bác sĩ chẩn đoán anh bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP), dẫn đến một số bệnh đường tiêu hóa trong đó có trào ngược. Anh được chỉ định thực hiện nội soi can thiệp, làm CLO - test chẩn đoán xác định.

Nhiều phương pháp xét nghiệm và xử lý HP

Hiện nay, nhiều cơ sở y tế triển khai rất đa dạng các loại xét nghiệm vi khuẩn HP như CLO - test. Nghĩa là, qua nội soi, người ta sẽ tiến hành sinh thiết, bấm một mảng thịt nhỏ ở thành niêm mạc dạ dày, nhúng vào một dung dịch. Nếu HP hiện diện sẽ sinh ra men urease, làm biến màu của chất chỉ thị trong dung dịch từ vàng sang hồng tím.

Qua nội soi có thể đánh giá chính xác tổn thương dạ dày.

Qua nội soi có thể đánh giá chính xác tổn thương dạ dày.

Ngoài ra, người ta còn có test hơi thở C13 bằng cách uống một loại bột đông khô chuyên dụng pha vào nước. Sau 15 - 30 phút, phản ứng lại với men urease trong dạ dày, khi đó bệnh nhân thở ra, các chuyên gia y tế sẽ thu thập hơi thở và đưa qua máy đếm và cho ra kết quả.

 Ngoài ra, thông qua nội soi, có thể đánh giá chính xác tổn thương dạ dày để quyết định chiến lược điều trị.

HP cũng có thể tìm trong phân hay kháng thể nằm trong máu. Tuy nhiên, những cách này gián tiếp chứ không cho thấy trực tiếp sự hiện diện của HP. Đối với phương pháp thử máu, người bệnh có thể nhiễm bệnh và khỏi rồi, nhưng vẫn có thể cho kết quả dương tính đến khoảng 1 năm sau.

Theo BSCKII Vũ Công Ánh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nguyễn Trãi TPHCM, điều trị HP thường được chỉ định khi ghi nhận bệnh nhân có loét, hoặc nếu có nhiều triệu chứng của viêm dạ dày và trên những người với tiền sử gia đình có người bị ung thư dạ dày.

Còn nếu không có triệu chứng gì, có thể cân nhắc không điều trị mà chỉ theo dõi. Mặc dù HP liên quan rất mật thiết với ung thư dạ dày, vì ghi nhận có sự hiện diện của HP trên 90% ung thư dạ dày, nhưng không phải tất cả người nhiễm HP đều bị ung thư. Vì vậy, điều trị HP được coi là điều trị trì hoãn và có điều kiện.

Rất nhiều ổ loét dạ dày đang chảy máu trong khi triệu chứng nhiễm HP rất mơ hồ, lồng vào các triệu chứng của bệnh đường tiêu hóa khác.

Rất nhiều ổ loét dạ dày đang chảy máu trong khi triệu chứng nhiễm HP rất mơ hồ, lồng vào các triệu chứng của bệnh đường tiêu hóa khác.

Thay đổi thói quen để hạn chế lây lan HP

HP có đặc điểm sống khu trú dưới lớp nhầy và trên bề mặt niêm mạc chứ không sống trong thành dạ dày, chỉ gây tổn thương ở dạ dày, chứ không xâm nhập vào máu và gây ra bệnh lý toàn thân. Vì vậy, những loại thuốc đường uống thông thường khi thấm vào máu sẽ không thấm ngược lên HP. Ngoài ra, dạ dày là nơi có độ pH thấp, trung bình từ 2 - 2,5, nên hoạt chất của thuốc trong dạ dày phần lớn bị ức chế hoặc bị phá vỡ; trong khi HP lại có khả năng đề kháng kháng sinh cao. Để điều trị HP, phải có kháng sinh phù hợp, phối hợp kháng sinh và kiểm soát được pH dạ dày để thuốc có tác dụng.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 50% dân số thế giới nhiễm HP và chỉ khoảng dưới 0,5% có triệu chứng và cần được tầm soát để điều trị. Theo một nghiên cứu tại Hà Nội, cứ 1.000 người thì có đến 700 trường hợp nhiễm vi khuẩn HP. Còn tại TPHCM, 90% số người bị viêm dạ dày có xuất hiện loại vi khuẩn này.

Nhiễm HP có thể xảy ra rải đều trên mọi lứa tuổi, nhưng lại không có triệu chứng đặc hiệu, mà lồng vào triệu chứng của một bệnh lý dạ dày như trường hợp trào ngược dạ dày nói trên hay có thể xuất phát từ một chứng đầy bụng khó tiêu, điều trị kéo dài không khỏi, được chỉ định đi soi mới phát hiện người bệnh bị những ổ loét rất nặng do nhiễm HP. Những ổ loét có kích thước trên 1cm được xem là ổ loét lớn và nghiêm trọng.

HP thường bị nhiễm trực tiếp qua đường ăn uống, vì vậy BSCKII Vũ Công Ánh khuyến cáo, để hạn chế lây lan HP, nên thay đổi thói quen sinh hoạt, hạn chế chấm chung nước chấm, không nhúng đũa cá nhân vào đĩa thức ăn chung. Trong gia đình có người nhiễm HP, chén đũa của người đó nên rửa và úp riêng như đối với bệnh nhân bị nhiễm lao, để tránh lây lan. Với những bệnh nhân bị viêm loét dạ dày, đặc biệt do HP, phải ăn đúng giờ, không ăn quá no, hạn chế chua cay, hạn chế đồ chiên xào, ăn thức ăn mềm dễ tiêu.

Trung bình mỗi ngày, Khoa Nội soi của Bệnh viện Nguyễn Trãi TPHCM thực hiện 25 - 30 ca nội soi dạ dày, trong đó thực hiện 20 CLO - test và tỷ lệ dương tính chiếm 50%. Tuy nhiên, một số CLO - test cho âm tính giả vì đặc tính của người Việt sử dụng kháng sinh không cần chỉ định, tạm thời khiến HP bất hoạt.

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top