Vì sao trái cây nhập khẩu ngày càng rẻ?

Nhiều loại trái cây ngoại nhập như táo, lựu, lê, nho… hiện có giá rẻ hơn cả trăm nghìn đồng mỗi kg so với thời kỳ cao điểm hai năm trước.

Nhiều loại trái cây ngoại nhập như táo, lựu, lê, nho… hiện có giá rẻ hơn cả trăm nghìn đồng mỗi kg so với thời kỳ cao điểm hai năm trước.

Tràn ngập thị trường

Chuyên bán trái cây ngoại nhập trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP HCM, chị Nguyễn Thị Thơm cho biết, táo Envy size 5 quả/kg hiện giá chỉ 80.000 - 85.000 đồng/kg, size 3 quả/kg giá cũng chỉ 99.000 đồng/kg. Đây được xem là mức giá rẻ nhất từ khi loại quả nhập khẩu này xuất hiện tại Việt Nam bởi Envy luôn là loại táo có giá đắt đỏ, dao động từ 150.000 - 250.000 đồng/kg, có thời điểm lên tới trên dưới 300.000 đồng/kg.

“Nhiều loại trái cây ngoại nhập như lựu, lê, nho… cũng có giá bán ngày càng rẻ. Trong đó, lê Hàn Quốc hàng loại 1 đang được bán 60.000 - 80.000 đồng/kg, còn loại 2 là 30.000 - 40.000 đồng/kg, đây là mức giá rẻ nhất từ trước tới nay”, chị Thơm chia sẻ.

Giá các loại trái cây ngoại nhập trên thị trường đang khá dễ chịu, có loại chỉ vài chục nghìn đồng mỗi kg.

Giá các loại trái cây ngoại nhập trên thị trường đang khá dễ chịu, có loại chỉ vài chục nghìn đồng mỗi kg.

Theo khảo sát của phóng viên Khoa học và Đời sống, các loại nho đỏ, nho xanh, nho kẹo... cũng phủ sóng khắp các chợ, giá chỉ từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng mỗi kg. Người tiêu dùng có thể mua theo cân, theo set, thùng hay mua cả rành về ăn. Dịp này, nho mẫu đơn Trung Quốc về ồ ạt, giá chỉ hơn 200.000 đồng/kg.

Tại các siêu thị, giá trái cây ngoại nhập cũng không còn đắt đỏ như trước. Đơn cử như các loại táo New Zealand, Pháp, Nam Phi… đang được bán với giá từ 49.000 - 200.000 đồng/kg tùy loại.

Hay như lựu Tunisia từng là một trong những loại trái cây ngoại nhập được xếp vào phân khúc cao cấp, giá bán năm 2021 tới 250.000 đồng/kg, nay còn 35.000 - 50.000 đồng/kg, tức giá hiện chỉ bằng một phần năm so với hai năm trước.

Chị Nguyễn Thị Hồng (quận Bình Thạnh, TP HCM) tỏ vẻ bất ngờ nói: “Tôi thấy trái cây ngoại nhập hiện bán tràn ngập thị trường, từ siêu thị đến chợ… đâu cũng có bán, mà giá lại khá dễ chịu, có loại chỉ vài chục nghìn đồng mỗi kg. Nếu giá như vậy thì ai ai cũng có thể dễ dàng mua về thưởng thức được”.

Thuế nhập khẩu gần như giảm về 0%

Lý giải cho việc trái cây ngoại nhập có giá ngày càng rẻ, đại diện siêu thị LOTTE Mart cho biết, trước đây siêu thị phải thông qua đơn vị nhập khẩu nhưng nay siêu thị nhập trực tiếp bằng đường hàng không, do không phải mất tiền từ các đầu mối trung gian nên giá thành rẻ hơn trước nhiều.

Ngoài ra, siêu thị còn hợp tác với các công ty chuyên thực hiện những dự án hỗ trợ nhằm bình ổn giá thị trường nông sản ngoại tại thị trường Việt Nam nên có giá rẻ.

Anh Huỳnh Phúc Điền, phụ trách bộ phận kinh doanh một công ty xuất nhập khẩu tại TP HCM cũng cho hay, trái cây ngoại nhập ngày càng rẻ là do có nhiều doanh nghiệp tham gia và lựa chọn những dòng hàng vừa túi tiền để đưa về nước. Ví dụ, các loại táo nhập từ châu Âu có thuế 0% nên các doanh nghiệp thường chọn loại có kích cỡ nhỏ với giá thấp, vận chuyển bằng đường tàu biển chi phí thấp về Việt Nam và bán với giá rất rẻ.

Đồng quan điểm, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho rằng, khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do, thuế nhập khẩu nhiều loại trái cây về mức rất thấp, thậm chí 0% nên hàng về nhiều, giá ngày càng rẻ.

Cùng với đó là chất lượng tốt, chủng loại đa dạng, lạ mắt… nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Đây cũng là lý do ở các thành phố lớn, trái cây ngoại chiếm thị phần áp đảo, bày bán ngày càng nhiều ở siêu thị và chợ.

“Với nhiều hiệp định đã được ký kết, hầu hết sản phẩm trái cây được các nước xuất qua Việt Nam hiện nay không bị đánh thuế, trong đó có những nước có nguồn cung trái cây rất lớn như New Zealand, Úc, Mỹ... kéo theo giá bán giảm mạnh”, ông Nguyên nhận định.

Đáng chú ý, trái cây Trung Quốc nhiều năm trước thường “núp bóng” hàng Việt Nam hay “khoác mác” hàng Hoa Kỳ, Úc... thì nay tình trạng này đã giảm. Nhiều loại trái cây Trung Quốc như: đào, mận, dưa lưới, lựu, táo, nho... được các xe tải lớn, nhỏ ùn ùn chở về các chợ đầu mối.

Ở các chợ đầu mối online, hoạt động mua bán trái cây Trung Quốc diễn ra càng nhộn nhịp hơn. Chủ hàng sau khi công khai thừa nhận nguồn gốc xuất xứ, còn giới thiệu tường tận tới cả vùng trồng cũng như chất lượng sản phẩm của nước bạn.

Đặc biệt, vài năm trở lại đây, Trung Quốc bắt đầu nâng cao tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các loại hàng hoá. Nông dân của quốc gia này buộc phải thay đổi thói quen sản xuất, làm hàng chất lượng tốt hơn để đáp ứng tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

Theo Đời sống
Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng có thể gây nguy hại sức khỏe. Đặc biệt, mì chính lại là loại gia vị mà chúng ta ăn hàng ngày. Vì vậy, người tiêu dùng cần đặc biệt lưu tâm khi mua sản phẩm.
Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) sẽ đưa sản phẩm DAP 64 Vàng/Tự nhiên về Việt Nam với chất lượng vượt trội, chi phí cạnh tranh.Bà con nông dân sẽ không còn phải lo lắng vì thiếu nguồn cung chất lượng.
back to top