Vì sao hàng quán tại TPHCM “vẫn án binh bất động”?

Hơn 20 ngày được UBND TPHCM đồng ý cho các loại hình kinh doanh ăn uống được mở cửa theo hình thức bán hàng mang đi, thế nhưng hàng quán trên địa bàn TP vẫn “án binh bất động” vì tình hình giao thương hàng hóa, lương thực, thực phẩm trên địa bàn TP gặp nhiều khó khăn.

Lỗ nhiều hơn lãi

Ngày 14/9, tại nhiều khu vực ẩm thực ở quận Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân… hàng quán vẫn "cửa đóng then cài" dù đã được phép kinh doanh trở lại. Theo đa số các chủ quán, do tình hình giao thương hàng hóa, lương thực, thực phẩm trên địa bàn TPHCM gặp nhiều khó khăn nên hầu hết không ai mặn mà cho việc mở cửa trở lại hàng quán để buôn bán.

Cả con đường Ni Sư Huỳnh Liên, quận Tân Bình chỉ duy nhất một tiệm gà ta rục rịch hoạt động. Bà Mai (chủ quán) cho biết, sáng nay luộc 3 con gà để giao cho mối quen. Những ngày qua một số khách quen có đặt hàng, bà giao hàng qua đội ngũ shipper nhưng hiện rất khó gọi shipper, có khi cả tiếng đồng hồ mới gọi được người giao. 

Theo bà Mai, việc bán hàng này chỉ mang tính cầm chừng bởi khách rất ít, chi phí đội lên cao, lỗ nhiều hơn lãi. Các hàng quán bán thức ăn mang đi vẫn chưa mặn mà với quy định được tái hoạt động khi lượng shipper còn ít, và còn e dè với các quy định để hoạt động an toàn.

1-tiem-pho-cua-chi-dung-chua-the-ban-lai-vi-mua-nguyen-vat-lieu-de-nau-mon-pho-hien-nay-rat-kho-khan..jpeg
Tiệm phở của chị Dung chưa thể bán lại vì mua nguyên vật liệu để nấu món phở hiện nay rất khó khăn.

Chị Dung (chủ tiệm phở) trên Ni Sư Huỳnh Liên, quận Tân Bình cho biết, sở dĩ chưa thể bán lại vì mua nguyên vật liệu để nấu món phở hiện nay rất khó khăn.

“Trong khi TPHCM cho mở cửa mua bán với nhiều điều kiện quá khó như "3 tại chỗ"; bán hàng trực tuyến, đặt ứng dụng shipper giao hàng; chỉ bán nội quận… khiến chúng tôi không đáp ứng được nên chưa thể kinh doanh trở lại", chị Dung nói.

Trên tuyến đường Sư Vạn Hạnh, quận 10, TPHCM tiệm bánh mỳ Hà Nội cũng là cửa hàng hiếm hoi mở cửa. Chị Hoa (chủ tiệm) cho biết, trong sáng nay vẫn chỉ bán các loại chả, patê... để người mua hàng mang về tự chế biến. Từ sáng, chị đã mở cửa hàng trên app Grab và ShopeeFood nhưng chưa có đơn hàng nào. Hơn nữa, để bán được bánh mì thịt như trước, chị phải nhập rau, củ các loại, nhưng nhà cung cấp những mặt hàng này lại chưa thể đi giao hàng được. 

Tại quận 3, đơn vị muốn kinh doanh phải đáp ứng 8 điều kiện: có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; chủ hộ kinh doanh và người lao động đã tiêm ít nhất một mũi văcxin phòng Covid-19; "3 tại chỗ"; khuyến khích thanh toán online; chỉ bán mang đi. Ngoài ra, chủ hộ kinh doanh và người lao động có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong thời hạn 48 giờ trước khi hoạt động trở lại; đồng thời thực hiện xét nghiệm nhanh 2 ngày/lần… Theo UBND quận 3, hiện có khoảng 20 hộ được niêm yết bảng nhận diện "hộ kinh doanh an toàn".

Lên phương án mở lại các chợ

Đại diện một hệ thống thức uống tại TPHCM cho biết, doanh nghiệp đã bàn bạc trước quy định mới của thành phố, song trước mắt vẫn chưa tái hoạt động sớm bởi muốn đi làm phải xin giấy đi đường hoặc “3 tại chỗ”. Đặc biệt, việc bán mang đi phải thông qua các đối tác giao hàng công nghệ nhưng hiện các đối tác yêu cầu nhiều thủ tục, trong khi số lượng shipper đang còn ít ỏi và khó để đặt được shipper thời điểm này. Do đó, hệ thống này vẫn đang còn nghe ngóng tình hình, chờ thêm thời gian mới quyết định vận hành trở lại.

Trong khi đó, nhiều đơn vị kinh doanh F&B (ẩm thực) tại các siêu thị, trung tâm thương mại cũng "án binh bất động". Đại diện hệ thống Satra cho biết, tại 2 trung tâm thương mại Satra Phạm Hùng và Satra Củ Chi, các đơn vị kinh doanh F&B có thương hiệu chưa đề cập chuyện tái kinh doanh.

"Nguyên nhân do việc mở cửa phải chịu rất nhiều chi phí vận hành. Thực tế, các dịch vụ F&B đang bị động bởi gian hàng bán là những kiốt chỉ đủ diện tích để kinh doanh trong ngày, không giải quyết được chỗ ăn, nghỉ cho nhân viên việc thực hiện "3 tại chỗ", đồng thời khả năng lây nhiễm sẽ cao khi lượng người trong trung tâm thương mại tăng", đại diện Satra cho biết.

he-thong-ca-phe-passio-chua-tai-hoat-dong-do-muon-di-lam-phai-xin-giay-di-duong-hoac-3-tai-cho-.jpg
Hệ thống cà phê Passio chưa thể tái hoạt động do muốn đi làm phải xin giấy đi đường hoặc “3 tại chỗ”.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, đại diện Sở Công Thương TPHCM thừa nhận, tình hình giao thương hàng hóa, lương thực, thực phẩm trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đối với hoạt động cung ứng, phân phối lương thực, thực phẩm đến với người dân. TPHCM hiện có 2.714 điểm cung ứng hàng hóa, trong đó có 92 siêu thị, 9 chợ truyền thống và hơn 2.100 cửa hàng tiện ích còn hoạt động.

Do đó, Sở sẽ làm việc với các quận, huyện để rà soát, sau đó sẽ hướng dẫn các quận, huyện đồng loạt mở lại các chợ. Trước mắt, Sở phối hợp để đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ người lao động trong doanh nghiệp được tiêm văcxin nhằm chuẩn bị nguồn "nhân lực xanh" để tái sản xuất, phối hợp UBND các quận, huyện triển khai phương án đi chợ 1 tuần/lần cho người dân tại địa bàn quận 7 và huyện Củ Chi; tổ chức rà soát, đánh giá tình hình các chợ truyền thống đang hoạt động, nghiên cứu đề xuất phương án mở lại các chợ vào thời điểm phù hợp.

Cũng theo Sở Công Thương, với chủ trương mở cửa theo lộ trình, an toàn đến đâu mở đến đó, việc bổ sung các kênh phân phối hàng hóa thiết yếu khác trong thời gian tới như nới khung giờ hoạt động của hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm; cho phép người dân tại các khu vực kiểm soát tốt dịch được đi chợ 1 lần/tuần; mở các điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa nông sản, thực phẩm tại các chợ đầu mối; đặc biệt là cho phép loại hình kinh doanh dịch vụ ăn, uống được hoạt động từ 6h - 18h hằng ngày theo hình thức bán hàng mang đi… sẽ tiếp tục nâng cao năng lực đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Đại diện Saigon Co.op thông tin, đơn vị đang chuẩn bị tăng cường nguồn hàng hóa, nguồn nhân lực của đơn vị sẽ được tăng gấp đôi so với hiện tại. Tương tự, siêu thị Aeon Tân Phú cho hay, đã chuẩn bị đầy đủ các kênh mua sắm online, shipper đi chợ hộ, người dân đi chợ trực tiếp và chỉ chờ các địa phương triển khai mô hình nào siêu thị sẽ đáp ứng ngay.

Riêng đối với đề xuất của Sở Công Thương cho phép người dân đi mua sắm theo hình thức áp dụng phiếu đi chợ theo ngày/tuần sẽ giúp giảm bớt được rất nhiều bất tiện trong việc mua hàng. Đây sẽ là bước ngoặt rất lớn để sớm đưa cuộc sống của người dân dần trở lại nhịp sống bình thường.

Theo Đời sống
Khách hàng cũng sẽ được thử tay lái với mẫu xe ô tô điện thông minh đầu tiên của Việt Nam – VinFast VF e34.

Vinhomes và VinFast tổ chức sự kiện trải nghiệm bộ đôi “Nhà xanh - Xe điện” tại Hà Nội và TPHCM

Nhằm tri ân cư dân và khách hàng, đồng thời mong muốn lan toả mạnh mẽ xu hướng sống xanh và thông minh, Vinhomes sẽ phối hợp với VinFast tổ chức sự kiện “Nhà xanh xe điện – Mở lối tương lai” tại hai đô thị Vinhomes Ocean Park (Gia Lâm) và Vinhomes Smart City (Nam Từ Liêm) trong hai ngày 23, 24/7 và Vinhomes Grand Park (TPHCM) trong hai ngày 30, 31/7. Khách hàng tham dự sự kiện sẽ được mục sở thị và lái thử bộ đôi ô tô điện thông minh VinFast VF 8 và VinFast e34.
"Bùng nổ" thương mại điện tử ở nông thôn

"Bùng nổ" thương mại điện tử ở nông thôn

Báo cáo nghiên cứu vừa công bố của J&T Express cho thấy, thói quen mua sắm trực tuyến của người Việt phát triển mạnh mẽ trong dịch và duy trì khá bền vững sau đó. Đáng chú ý, nhu cầu mua sắm trên các sàn thương mại điện tử không chỉ ở các thành phố lớn mà đang "bùng nổ" ở nông thôn.
back to top