Vệ tinh NanoDragon chưa có tín hiệu, tính đến nhiều tình huống xảy ra

Sau 23 ngày trên quỹ đạo, vệ tinh NanoDragon chưa có tín hiệu gửi về mặt đất.

Tính đến ngày 2/12, sau 23 ngày các vệ tinh lên quỹ đạo, hiện còn 2 trên tổng số 9 vệ tinh cùng phóng ở lần phóng thử nghiệm công nghệ này chưa nhận được tín hiệu từ trạm mặt đất, trong đó có vệ tinh NanoDragon.

Tên lửa rời bệ phóng đưa 9 vệ tinh bay vào vũ trụ. Video:Xuân Dương. Đồ họa:JAXA, VNE,

NanoDragon là vệ tinh được nghiên cứu, thiết kế, chế tạo 100% tại Việt Nam. Vệ tinh được phóng thành công lên quỹ đạo đồng bộ mặt trời ở độ cao 560 km vào ngày 9/11/2021 tại Trung tâm Vũ trụ Uchinoura ở tỉnh Kagoshima, Nhật Bản.

Vệ tinh là sản phẩm của Đề tài "Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, phóng và vận hành thử nghiệm vệ tinh siêu nhỏ cỡ nano" thuộc "Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về công nghệ vũ trụ giai đoạn 2016 - 2020" do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì, nhằm thực hiện "Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ đến năm 2030" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 4/2/2021.

ve-tinh-nanodragon-chua-co-tin-hieu.jpeg
Vệ tinh NanoDragon của Việt Nam chính thức bàn giao cho Nhật Bản ngày 17/8/2021. Ảnh: Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Hàng không Vũ trụ Nhật Bản/JAXA/TTXVN phát.

Theo Phó Tổng giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam Lê Xuân Huy, vệ tinh NanoDragon được thiết kế có 3 đường truyền thông: Đường truyền dữ liệu đo xa (thông tin về trạng thái của vệ tinh) từ vệ tinh phát xuống mặt đất ở dải tần UHF; đường phát lệnh điều khiển từ mặt đất lên ở dải tần VHF; và đường truyền dữ liệu nhiệm vụ từ vệ tinh xuống mặt đất ở băng tần S.

Trong quá trình chuẩn bị phóng, vệ tinh NanoDragon đã vượt qua 4 vòng kiểm tra an toàn phóng của Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) với nhiều tiêu chuẩn khắt khe và các thử nghiệm quan trọng về môi trường.

Vệ tinh cũng đã vượt qua các vòng kiểm tra tại Việt Nam và được phép gửi sang Nhật Bản tham gia phóng theo kế hoạch của JAXA từ ngày 6/8/2021.

Hiện các cán bộ kỹ thuật của VNSC vẫn nỗ lực để có thể thu được tín hiệu của vệ tinh. Hàng ngày nhóm theo dõi, vận hành trạm mặt đất tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc hai lần vào khoảng 9h30 và 21h30 để gửi các lệnh điều khiển vệ tinh ở băng tần VHF dò tìm tín hiệu ở băng S.

Nhóm nghiên cứu cũng phối hợp với cộng đồng (Satnogs) để thu tín hiệu vệ tinh, trong đó có hai trạm có khả năng gửi lệnh lên NanoDragon và thu tín hiệu ở băng S.

Nhóm cũng tìm kiếm, sàng lọc mọi dữ liệu liên quan đến tín hiệu NanoDragon trên cộng đồng Satnogs và cùng với MEISEI, JAXA phân tích các khả năng, tình huống xảy ra trên vệ tinh để tìm kiếm giải pháp phù hợp.

Theo Đời sống
back to top