Hình minh họa.
Xem truyền hình, thấy cảnh một quan chức của ta tươi cười ký kết một khoản vay trị giá vài chục triệu đô, tôi thấy cứ là lạ.
Theo số liệu thống kê, tính đến hết năm 2015, tổng dư nợ vay nước ngoài của Việt Nam lên tới 1,759 triệu tỷ đồng, tương ứng 80,84 tỷ USD. Một con số khá lớn. Và một khoản vay mới sẽ lại chất thêm gánh nặng nợ nần vốn đã nặng nề lắm rồi lên các thế hệ mai sau.
Vay có phải là cho, là được đâu mà đi kèm với nó là bao nhiêu nỗi lo: lo trả nợ, lo không trả được nợ, lo bị đòi nợ…
Đọc cuốn Lời tự thú của một sát thủ kinh tế thấy họ cho mình vay tức là đã nắm quyền khống chế mình rồi. Nên nếu có trách nhiệm thì khi vay được có mừng cũng mừng vừa vừa thôi, còn phải lo nhiều hơn mới đúng.
Nhớ hồi gia đình tôi mua nhà phải vay tiền họ hàng, bạn bè. Để cả thời gian sau đó lúc nào cũng nơm nớp lo trả nợ.
Cái cảm giác nợ nần nó lạ lắm, đáng sợ lắm. Bạn gọi điện hỏi thăm cũng cuống lên lo người ta cần tiền đòi nợ thì mình biết vay ở đâu để trả. Mãi mấy năm sau trả hết nợ mới thấy nhẹ người.
Trong cuộc sống cũng đã có biết bao nhiêu vụ mất hết tình cảm ruột thịt, mất cả bạn bè vì vỡ nợ, không trả được nợ. Nợ như cái dây thòng lòng treo lơ lửng trên đầu
Nhưng có lẽ tôi là người cổ hủ nên mới có tâm lý đó. Chứ xung quanh tôi thấy người ta vay nợ ầm ầm. Như vụ đại gia thuỷ sản nợ tiền ngân hàng, nợ tiền nông dân mà vẫn tổ chức đám cưới đình đám cho con với dàn xe siêu sang…
Những ông chủ, bà chủ tiền tiêu như nước, đến khi vỡ lở thì mới biết đấy là tiền góp vốn, tiền đi vay…
Hay không nói đâu xa, có những thanh niên mới đi làm đã trang bị iphone, ipad, xe SH…đến khi giấy đòi nợ của ngân hàng gửi tới thì mới biết là họ vay tiền để mua sắm.
Chính cái lối sống thực dụng, đề cao tiêu dùng mà chúng ta đang quảng cáo đã tạo ra những con người như vậy. Không cần biết tiền từ đâu mà có: đi vay, đi mượn, lừa đảo, chiếm đoạt, tiền của cơ quan…làm đủ mọi cách để có tiền. Và những đồng tiền đó lại chi cho lối sống sa hoa, phù phiếm. Một vòng luẩn quẩn của đồng tiền.
Minh Anh