Vận khí - thiên thời, địa lợi, nhân hòa để khỏe mạnh

Sinh lý và bệnh lý của con người có mối quan hệ chặt chẽ với vạn vật và trời đất. Biết cách hòa hợp, lựa chọn thực phẩm đúng để dung hòa sẽ khỏe mạnh và trường thọ.

Các nhà hiền triết phương Đông trong quá trình nghiên cứu đã nhận thấy, trong vũ trụ bao la chứa đầy ắp đại khí không ngừng vận động. Đại khí là nguồn gốc của vạn vật mà chúng ta thường gọi là nguyên khí.

Nguyên khí tuy vô cùng vô biên, nhưng sự vận động, biến hóa của nó có quy luật nhất định. Đó là sự biến hóa âm dương trong trời đất. Trên trời có những tinh tượng cao xa, tương ứng với vạn vật có hình thể trên mặt đất, trong đó có loài người chúng ta.

Khi âm dương của trời đất tương thông với nhau, sinh ra ngũ hành đó là: Mộc, hỏa, thổ, kim, thủy. 3 khí dương là phong, thủy, hỏa và 3 khí âm là táo, hàn, thấp. Tương ứng với 3 kinh dương trong cơ thể con người đó là: Thái dương, thiếu dương và dương minh; 3 kinh âm là: Thái âm, thiếu âm và quyết âm.

van-khi-va-suc-khoe-1.jpg
Giải mã vận dụng học thuyết vận khí – thiên thời, địa lợi, nhân hòa để có sức khỏe.

Ngũ vận, lục khí chính là sự tương hợp giữa thiên can với địa chi, giữa trời với đất. Lục khí chủ trì trên trời cứ 6 năm là một vòng; ngũ vận chủ trì trên quả đất, cứ 5 năm tuần hoàn một vòng. Vận có 5 mà khí có 6, nhưng luôn luôn tương hợp với nhau.

Sự diễn biến và thay đổi của ngũ vận, lục khí có quy luật nhất định, quy luật đó rất vi diệu. Ứng dụng quy luật này có thể biết được sự biến hóa khí hậu của những thời kỳ trước, tính toán sự phát sinh của khí hậu những năm tới để dự phòng và chữa bệnh bảo toàn sự sống của con người. Nếu xem thường sự biến đổi của tự nhiên, không biết đề phòng bệnh tật dễ sinh ốm đau, dịch tễ làm tổn hại đến sinh mạng.

Sinh lý và bệnh lý của con người có mối quan hệ chặt chẽ với lục khí: Hàn, thử, táo, thấp, phong, hỏa.

Mộc khí, phong khí ảnh hưởng đến tạng can (gan)

Phương Đông tương ứng với mùa xuân, là nơi dương khí bắt đầu đi lên, phong khí phát sinh làm cho cỏ cây tươi tốt. Mộc khí có thể sản sinh vị chua nuôi dưỡng can (gan) khí huyết của tạng gan nuôi dưỡng gân cốt. Trong quan hệ ngũ hành thì mộc sinh hỏa, tâm lại thuộc hỏa cho nên khi gan nóng làm cho tâm hỏa sinh bệnh.

Tính chất khí của phong mộc là ôn ấm, khi phẫn nộ thái quá sẽ làm tổn hại gan. Nhưng táo khí lại chế ngự được phong khí. Khi vị chua thái quá thì làm tổn hại đến gân cốt, song vị cay có thể chế ngự được vị chua.

Dùng thuốc điều trị bệnh ở gan thường sao với giấm để dược chất vào gan được tốt, nhưng với người hay đắng miệng thì dùng vị hơi ngọt để khống chế vị chua của gan. Trong thực đơn ăn uống hàng ngày, bát nước chấm có đủ vị ngọt, cay, chua để ăn với thức ăn có vị béo, vị đắng để điều hòa khí huyết của tạng can (gan) là ý nghĩa đó.

Hỏa khí, nhiệt khí ảnh hưởng đến tạng tâm

Phương Nam tương ứng với mùa hạ. Dương khí (minh khí) thịnh vượng sẽ sinh ra nhiệt khí, nhiệt có thể sinh hỏa, hỏa khí có thể sinh ra vị đắng, vị đắng nuôi dưỡng tâm (tim). Tim có thể sinh và lưu thông huyết dịch. Trong mối quan hệ của ngũ hành hỏa sinh thổ, tỳ thuộc thổ, cho nên có thể nói huyết dịch tương sinh với tỳ thổ.

Nếu vị đắng thái quá sẽ làm tổn thương tâm khí. Vị mặn có thể khống chế được tâm khí. Vì nó có thể hòa hoãn được vị đắng. Khi điều trị bệnh tim mạch phải dùng vị hoàng liên một phần sao muối, một phần sao rượu, sao muối để hòa hoãn một ít vị đắng, sao rượu để đưa thuốc đi lên vào phần huyết của tim.

Khi bệnh nhân quá bức xúc làm can khí uất huyết nóng lên tim đập mạnh, mạch loạn nhịp, mặt đỏ bừng cho uống ngay một cốc nước mát để làm mát huyết giúp tim giáng hỏa người trở lại trạng thái bình thường.

van-khi-va-suc-khoe.jpg
Giải mã vận dụng học thuyết vận khí – thiên thời, địa lợi, nhân hòa để có sức khỏe.

Thổ khí, thấp khí ảnh hưởng đến tạng tỳ

Tạng tỳ ở giữa tương ứng với trường hạ (mùa trường hạ là kéo dài một phần mùa hạ sang mùa thu). Khí hậu lúc đó là mùa mưa sinh ra nhiều thấp khí. Sự thấp nhuận có thể nuôi dưỡng thổ khí của vạn vật để phát triển, sinh trưởng ra hoa kết quả. Đó là nguyên nhân thổ khí sinh ra vị ngọt để nuôi dưỡng tỳ.

Tỳ có thể làm cho cơ bắp phát triển mạnh mẽ. Trong quan hệ ngũ hành tỳ thổ sinh kim thuộc phế (phổi), cho nên có thể nói cơ bắp có tương sinh với phế kim, vì cơ bắp khỏe, phổi hít thở được nhiều khí trời làm khí huyết lưu thông, làm cơ thể đỏ da thắm thịt.

Khi điều trị các chứng bệnh ở tỳ cần lưu ý. Đối với bệnh nhân gầy yếu ăn uống hấp thụ kém phải dùng thuốc có vị ngọt để bồi bổ cho cho tỳ, nhưng những người béo phì khi cho thuốc không được dùng nhiều vị ngọt, phải dùng một số vị sao với giấm đi kèm với một số vị mang tính táo thấp (tỳ ghét thấp) điều trị mới có kết quả.

Kim khí, táo khí liên quan đến phế (phổi)

Phương Tây tương ứng với khí hậu mùa thu. Mùa thu mưa bắt đầu giảm, trời khô ráo. Táo khí trợ giúp kim khí để mát mẻ. Kim khí có thể sinh ra vị đắng (Đông y vị đắng kỵ sắt) vị đắng có thể nuôi dưỡng phế, phế nuôi dưỡng da và lông. Trong quan hệ ngũ hành kim sinh thủy, thận thuộc thủy, cho nên có thể nói lông da tương sinh với thận thủy.

Vị cay thái quá làm phế nhiệt mà tổn thương đến da lông, song vị đắng có thể ức chế được vị cay. Khi điều trị các chứng bệnh ở phế thường dùng các vị thuốc có vị cay, đắng tính bình. Nếu tính hàn thì phải sao tẩm với rượu để giảm bớt tính hàn đồng thời đưa thuốc đi lên vào kinh phế được nhanh chóng hiệu quả.

Thủy khí, hàn khí có liên quan đến thận

Phương Bắc tương ứng với mùa Đông. Âm khí thịnh sẽ sinh ra hàn khí. Hàn khí có thể bảo hộ cho thủy khô cứng (đóng băng) cho nên nói hàn có thể trợ giúp thủy. Thủy sinh ra vị mặn, vị mặn nuôi dưỡng thận, thận sinh ra xương tủy, tủy nuôi xương được cứng cáp sung mãn. Trong quan hệ ngũ hành thủy sinh mộc, mà gan thuộc mộc cho nên có thể nói xương tủy có thể tương sinh với gan mộc.

Khi điều trị bệnh ở thận thường dùng các vị thuốc có màu đen vị hơi ngọt để đưa thuốc vào thận. Nếu trong bài không có vị thuốc màu đen mới sao một số vị thuốc với nước muối pha loãng nhưng vị thuốc ấy mang tính chất tả chứ không phải bổ, thường sao muối với vị trạch tả để đưa thuốc vào thận.

Trong dưỡng sinh hằng ngày ăn uống phải đủ chất đó là: Ngũ vị và ngũ sắc. Ngũ vị: Chua, đắng, ngọt, cay, mặn. Ngũ sắc: Xanh, đỏ, vàng, trắng, đen để nuôi dưỡng 5 tạng. Nếu thiếu thì tạng tỳ phải thanh trọc điều tiết cho đủ. Không ăn quá nhiều một vị hoặc một sắc dễ làm tổn thương tạng khác.

Thiên Ngũ vị sách Linh Khu nói: “Vị chua của thức ăn thường đi vào tạng can trước, vị đắng thường đi vào tâm trước, vị cay thường đi vào phế trước, vị mặn thường đi vào thận trước”. Nếu chỉ thích riêng một vị thì sẽ ảnh hưởng đến sự điều hòa thăng bằng cơ năng của các tạng. Nếu ăn nhiều vị chua hại cân (gân), ăn nhiều vị đắng hại khí, ăn nhiều vị ngọt hại thịt, ăn nhiều vị cay hại da lông, ăn nhiều vị mặn hại huyết, đó là quan hệ giữa nội tạng với ngũ vị.

TTND.BS Cao cấp Nguyễn Xuân Hướng (nguyên Chủ tịch T.Ư Hội Đông y Việt Nam)

Theo Đời sống
Day huyệt hạ huyết áp

Day huyệt hạ huyết áp

Để chữa cao huyết áp, ngoài việc dùng thuốc, thay đổi lối sống, y học cổ truyền có một phương pháp rất độc đáo mà ít người biết đến đó là việc tự xoa bóp huyệt vị.
back to top