Mưa nhiều, nắng nhiều cũng gây ra hố tử thần
Sáng 29/9, ông Phạm Hồng Sơn, Chủ tịch UBND xã Hóa Thanh (huyện Minh Hóa, Quảng Bình) cho biết, trên địa bàn vừa xuất hiện 1 "hố tử thần" trong sân nhà người dân ở thôn Thanh Long khiến người dân hoang mang.
Hố tử thần này có hình tròn, đường kính khoảng 5m và sâu hơn 4m. Ban đầu khi nhìn xuống mọi người phát hiện có nước và sau đó hố sụt này vẫn đang còn có dấu hiệu sụt lún và mở rộng… Rất may mắn, không ai bị thương.
Theo chủ nhà, ngôi nhà này ở cạnh chân lèn, xung quanh không có hố bom, hố đạn và là đất cố định... Lâu nay vị trí này vẫn bình thường không có dấu hiệu bất thường nào xảy ra.
TS Trần Tân Văn, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho biết, khu vực Minh Hóa ở Quảng Bình là nơi có địa chất các hố đá vôi phân bố không liên tục, khả năng xảy ra sụt lún ở đây là rất bình thường, không phải là hiện tượng bất thường như người dân lo lắng. Đối với những hộ dân cạnh hố sụt cần phải tiến hành sơ tán đến nơi khác ngay. Khi một nơi đã xuất hiện hố tử thần thì nhiều khả năng sẽ tiếp tục xuất hiện thêm các hố tử thần khác. Nguyên nhân gây ra hố tử thần có rất nhiều, đơn giản như mưa liên tục hoặc nắng nóng, hạn hán liên tục cũng có thể xảy ra sụt lún.
Với hố tử thần này, sau khi ổn định thì phải bơm phụt xi măng vào để trám lấp, sau đó chèn các bao cát và đất xuống. Tuy nhiên đây cũng chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài thì việc sơ tán dân đến nơi ở khác là cần thiết, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản. Cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu xem xung quanh đó có các hang động ngầm hay không.
Không thể báo trước hố tử thần
Một điều đáng nói là kể cả người có chuyên môn sâu cũng không thể biết trước khi nào xuất hiện hố tử thần. Không có cách gì để biết mà tránh, nên cách duy nhất là phải nghiên cứu, phân vùng cảnh báo, quy hoạch dân cư. Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, đánh giá, cảnh báo. Người dân ở những vùng có nguy cơ sụt lún (vùng có núi đá vôi) cần thận trọng khi thời tiết diễn biến bất thường như mưa nhiều liên tục hoặc nắng hạn dài ngày. Đây là những thời điểm các hố sụt dễ hoạt động nhất.
Hiện tượng sụt lún xảy ra khá nhiều ở các tỉnh có địa chất đá vôi, phổ biến là các tỉnh miền núi phía Bắc. Hiện các nhà khoa học đã nghiên cứu xây dựng bản đồ sụt lún và phân vùng cảnh báo, nhưng do thiếu kinh phí nên mới chỉ làm xong cho các tỉnh phía Bắc. Dựa trên bản đồ này, chính quyền sẽ đưa ra cảnh báo cho người dân, tránh những thiệt hại đáng tiếc. Người dân ở các vùng núi đá vôi có thể liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường của tỉnh, hoặc UBND huyện, xã… để hỏi về bản đồ phân vùng sụt lún trước khi tiến hành các công trình xây dựng quan trọng.
Đối với các công trình xây dựng ở các vùng có núi đá vôi, cần phải khảo sát kỹ, điều tra địa chất của các hố đá vôi xem mức độ hoạt động như thế nào. Có thể mời các nhà khoa học về tận nơi đánh giá, bằng các thiết bị, công cụ đo, dễ dàng biết được địa chất khu vực đó có ổn định không, có thể xây dựng các công trình lớn được hay không.