Đứng và đi lại sau 2 tiếng thay khớp
Nguyễn Thị Lan Anh (49 tuổi ở TP Hải Phòng), bị đau khớp 2 chân nhiều năm, chữa trị đông tây y khắp nơi, rồi hút dịch khớp mỗi lần 5 xilanh nhưng không khỏi. Tại Bệnh viện (BV) Bạch Mai bà được chỉ định thay khớp gối bằng hệ thống robot Mako. Từ chỗ không thể đi được, đứng lên cũng phải có người giữ, sau 2 tiếng phẫu thuật bà đã tự đứng lên và đi lại được trên đôi chân của mình với nụ cười rạng rỡ.
TS Đào Xuân Thành, Phó trưởng Khoa Chấn thương – Chỉnh hình, BV Bạch Mai cho biết, BV là đơn vị đầu tiên, duy nhất tại Việt Nam đưa kỹ thuật này vào ứng dụng từ 6/2017. Hiện BV đã phẫu thuật được hơn 50 ca với tỷ lệ thành công 100%.
Trong các phẫu thuật thay thế khớp thì phẫu thuật thay thế khớp gối đòi hỏi độ chính xác cao nhất vì biên độ vận động khớp lớn và phẫu thuật viên khó hình dung hết mối liên quan giải phẫu giữa khớp đó với trục của cơ thể.
Robot Mako sẽ giúp phẫu thuật viên lên kế hoạch, xác định chính xác vị trí, chất liệu, kích thước của khớp sẽ đưa vào thay thế dựa trên cấu trúc và giải phẫu thực tế của từng bệnh nhân.
Thế hệ thống robot này được xem như cánh tay thứ 3 của phẫu thuật viên, qua hình ảnh không gian ba chiều robot cung cấp giúp bác sĩ tiến hành phẫu thuật xâm lấn tối thiếu và độ chính xác cao, giúp bệnh nhân ít mất máu, ít đau, giảm nguy cơ tai biến và mau hồi phục.
Đặc biệt, robot còn kiểm soát, hỗ trợ việc cắt xương và đặt khớp nhân tạo, tối đa hóa kết quả ca phẫu thuật thay khớp đem lại sự hài lòng cho bệnh nhân (BN).
Ca phẫu thuật thay khớp bằng robot tại BV Bạch Mai.
Kỹ thuật cao mang lại nhiều lợi ích
PGS.TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc BV Bạch Mai cho biết, trong mấy năm nay, BV Bạch Mai đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình và bước đầu thu được nhiều kết quả cũng như kinh nghiệm quý báu khi thực hiện phẫu thuật ít xâm lấn và can thiệp chính xác.
Các phẫu thuật ít xâm lấn và can thiệp chính xác tại BV được phân thành 3 mảng lớn, bao gồm: Phẫu thuật nội soi, phẫu thuật dưới sự hỗ trợ của hệ thống định vị trong mổ (C-arm, O-arm và định vị không gian 3 chiều, Navigation) và phẫu thuật thay khớp dưới sự hỗ trợ của cánh tay robot Mako.
Theo TS Đào Xuân Thành, với phương pháp mới này, người bệnh sẽ không phải chịu nhiều đau đớn sau phẫu thuật do vết mổ lớn như trước. Bên cạnh đó, nhờ sự hỗ trợ của robot nên độ chính xác trong việc thay khớp gối hay khớp háng nhân tạo sẽ cao hơn, tỉ lệ di lệch chỉ trong khoảng 1mm.
Đặc biệt, với những bệnh nhân bị thoái hóa khớp gối một phần, khi tiến hành phẫu thuật ứng dụng robot Mako còn đem lại nhiều lợi ích. Bởi nếu trước đây, khi chỉ hỏng một phần khớp gối là bắt buộc phải thay cả khớp.
Nhưng với sự hỗ trợ của robot, BN chỉ phải thay phần khớp bị hư hỏng, giữ nguyên được phần lành, đặc biệt giữ nguyên được dây chằng chéo trước, chéo sau của khớp gối nên sau phuật thuật BN cảm thấy chức năng của khớp gối về lại ngay bình thường.
Tuy nhiên, không phải BN nào cũng có thể áp dụng kỹ thuật thay khớp gối bán phần bằng robot. Kỹ thuật này chỉ có hiệu quả với những BN bị thoái hóa khớp gối phát hiện sớm ở giai đoạn 2 và 3.
Chính vì vậy, TS Thành khuyên, BN có hạn chế vận động ở khớp, cứng khớp buổi sáng khi mới dậy (phải tập vài động tác mới trơn tru); có xuất hiện đau cơ học, đau khi vận động nhiều giảm khi nghỉ ngơi; Và những BN đã được chẩn đoán thoái hóa khớp háng và gối điều trị nội khoa không kết quả thì nên thay khớp sớm, tránh để kéo dài gây liệt và ảnh hưởng toàn thân.
Thúy Nga