Bướu bàng quang hầu hết là bệnh lý ác tính (ung thư) chiếm tỷ lệ khoảng 80%, đây là bệnh lý khó điều trị và số người mắc bệnh ngày càng tăng. Ngày nay, nhờ sự phát triển của chẩn đoán hình ảnh và giải phẫu bệnh mà bướu bàng quang ngày càng được phát hiện nhiều hơn.
Tại Mỹ, ung thư bàng quang là bệnh lý ung thư thường gặp, đứng hàng thứ tư sau ung thư tuyến tiền liệt, phổi và đại trực tràng ở nam, chiếm 6,6% trong tổng số ung thư ở nam, còn ở nữ đứng hàng thứ 9, chiếm 2,4% trong tổng số ung thư ở nữ.
Bướu bàng quang. |
Có khoảng 75 - 80% ung thư bàng quang giới hạn ở lớp niêm mạc, được gọi chung là ung thư bàng quang nông hay ung thư bàng quang không xâm lấn cơ. Nếu ung thư bàng quang được phát hiện và điều trị ở giai đoạn sớm, tỷ lệ sống sau 5 năm của người bệnh lên tới 70 - 90%.Bệnh viện Bình Dân TPHCM mỗi tháng tiếp nhận điều trị từ 60 - 80 trường hợp bướu bàng quang nông chưa xâm lấn cơ.
ThS.BS Nguyễn Hoàng Luông, Khoa Nội soi Niệu, Bệnh viện Bình Dân TPHCM cho biết: “Trong nhiều năm, cắt đốt nội soi bằng dao điện đơn cực điều trị cho các ung thư bàng quang nông là phương pháp tiêu chuẩn và được nhiều bác sĩ lựa chọn. Tuy nhiên, những nguy cơ của phương pháp này bao gồm chảy máu trong và hậu phẫu, phản xạ thần kinh bịt gây cử động không tự chủ trên bệnh nhân khiến bác sĩ khó thao tác trong khi phẫu thuật, từ đó làm tăng biến chứng thủng bàng quang và không cắt hết bướu”.
Mô tả phương pháp cắt bướu bàng quang chưa xâm lấn cơ. |
Với sự phát triển của khoa học công nghệ trong lĩnh vực niệu khoa, đã có nhiều ý tưởng ứng dụng laser để điều trị các ung thư bàng quang nông. Hiện nay, có nhiều công trình nghiên cứu cho thấy hiệu quả và độ an toàn cao của ứng dụng laser vào điều trị các bệnh lý niệu khoa nói chung và ung thư bàng quang nông nói riêng.
Cắt đốt nội soi bướu bàng quang tại Bệnh viện Bình Dân TPHCM. |
Theo BSCKII Nguyễn Ngọc Châu, Phó Giám đốc Bệnh viện Bình Dân TPHCM, một nghiên cứu của bệnh viện trong 2 năm 2014 – 2016, có 68 bệnh nhân bướu bàng quang được cắt đốt qua ngả niệu đạo với LASER Thulium YAG kết hợp hóa trị trong lòng bàng quang sau phẫu thuật. Trong đó, người bệnh phần lớn là nam giới, chiếm 79,4% và đa số trong độ tuổi từ 51 - 70. Triệu chứng thường gặp nhất ở người bệnh bướu bàng quang trong nghiên cứu này là tiểu máu. Kích thước bướu trung bình khoảng 19mm với số lượng thường gặp nhất từ 1 - 3 bướu.
Theo đó, thời gian phẫu thuật trung bình dưới 25 phút và thời gian nằm viện thường từ 2 - 4 ngày. Sau phẫu thuật, kết quả sớm có 59 người bệnh kết quả tốt (chiếm 86,8%) và có 9 người bệnh kết quả khá (chiếm 13,2%). Tỷ lệ tái phát là 10 trường hợp trong tổng số 68 người bệnh. Đặc biệt, không xảy ra các biến chứng như phản xạ thần kinh bịt, thủng bàng quang, chảy máu không cầm hoặc phải bơm rửa bàng quang sau mổ.
BSCKII Nguyễn Ngọc Châu cho biết thêm: “Khi kết hợp hệ thống ánh sáng bước sóng ngắn NBI qua nội soi giúp tăng cường phát hiện bướu bàng quang, chúng tôi có thể tăng tỷ lệ cắt hết bướu, giảm sót bướu, đặc biệt ở những vị trí khó cắt khi dùng dao điện chẳng hạn như bướu ở đỉnh bàng quang hay thành trước bàng quang”.