Hỏi: Tôi đi kiểm tra sức khỏe, tình cờ bác sĩ siêu âm phát hiện có nhân tuyến giáp và chọc sinh thiết, may mắn đây là u lành tính và chưa cần phẫu thuật. Tuy nhiên tôi rất lo lắng, sợ rằng từ u lành tính chuyển thành u ác tính sẽ khó giải quyết. Xin bác sĩ cho tôi lời khuyên.
Trần Thị Nụ (Nha Trang)
PGS.TS Tạ Văn Bình, Viện trưởng Viện Nội tiết và đái tháo đường cho biết, bướu tuyến giáp là bệnh phổ biến, hay gặp ở nữ. Bướu giáp nhân là tổn thương dạng khối nằm trong tuyến giáp, được phân loại thành nhân lành tính và ác tính, trong đó đa số trường hợp là nhân lành tính. Bướu giáp có nguyên nhân sâu xa là rối loạn hệ miễn dịch.
Một người có thể bị bệnh này từ khi mới sinh hoặc xảy ra bất cứ lúc nào trong cuộc đời, lứa tuổi thường gặp nhất là từ 30 đến 55 tuổi. Yếu tố nguy cơ gây bệnh thường gặp nhất là chế độ ăn uống thiếu iốt; trong gia đình có người mắc bệnh tự miễn; phụ nữ mang thai, mãn kinh; sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch, thuốc kháng virus, phơi nhiễm bức xạ do điều trị phóng xạ vùng cổ, ngực hoặc tiếp xúc với bức xạ trong thử nghiệm hạt nhân…
Bướu tuyến giáp chỉ nên phẫu thuật khi tuyến giáp có ảnh hưởng tới chức năng các bộ phận của cơ thể, bướu nhân giáp do bệnh tự miễn gây ra và có khả năng gây ung thư. Việc phẫu thuật thường kèm theo điều trị hormon, mà điều này thường đưa đến nguy cơ các bệnh tim mạch, càng gây khó khăn cho người bệnh.