Ai có tiền đi đường sắt cao tốc?
PGS.TS Phạm Bích San, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tư vấn và Phát triển cho rằng, trong dự án, người sử dụng đường sắt tốc độ cao chưa được xác định cụ thể ngoài những câu chung chung về lợi ích kinh tế. PGS.TS Phạm Bích San đặt câu hỏi những người nào sẽ đi đường sắt vì công việc, những ai sẽ đi để du lịch và những ai đi như một phương tiện giao thông?
Trước hết, như tình hình hiện tại và trong tương lai mối liên kết về công việc giữa các khu vực dọc tuyến sẽ vẫn còn chưa cao trong một thời gian dài. Số lượng người đi làm, như hành khách mà đường sắt Nhật phục vụ hằng ngày, chưa thấy rõ là bao nhiêu. Trong khi các điểm công nghiệp khác dọc tuyến, ví dụ như Đồng Văn, Bỉm Sơn… chưa cho thấy sức hút về lao động ở xa mà vẫn đang ở trong tầm hoạt động rất hiệu quả của xe máy (khoảng 15km trở lại và thời tiết không lạnh như ở các nước vĩ tuyến cao hơn). Việc xây dựng đường sắt không vì mục tiêu tăng cường khả năng làm việc cho con người có lẽ là một sự quá xa xỉ lúc này.
Về du lịch toàn bộ tuyến đường sẽ chạy dọc theo bờ biển nên những người dân địa phương đi du lịch biển sẽ không nhiều vì họ đã có biển. Những người đi du lịch biển thì ngoài nhóm công chức, công nhân thì người lao động trong các nhà máy, công xưởng trong 10 năm tới chưa rõ có bao nhiêu người đủ thu nhập để đi chơi xa (cứ xem thu nhập của họ thì rõ: đóng học phí cho con xong và đi khám bệnh là hết). Trong khi đó những người chọn đường sắt để đi du lịch xem phong cảnh thì họ lại không cần tốc độ quá cao: khoảng 100km/g như đường sắt Trans Siberia là đủ. Còn đi thăm Tam Chúc, Tràng An, Tam Cốc Bích Động thì đi ô tô có lẽ tiện hơn: với giao thông hiện nay thì lên tàu, xuống tàu rồi vẫn phải đi đường bộ.
Về những người ngẫu nhiên đi thì nếu khoảng cách dưới 150 cây số chọn đi tốc độ cao tùy thuộc nhiều vào giá vé và khoảng cách từ ga tới chỗ họ cần đến. Đồng thời nếu đi xa có lẽ họ chọn phương tiện hàng không giá rẻ. “Sự đầu tư xã hội quá lớn cho một công trình không mang lại những lợi ích ngay cho người dân từ trung lưu trở xuống sẽ đưa đến những hệ lụy xã hội có thể nghiêm trọng”, PGS.TS Phạm Bích San nhìn nhận.
Phải xét đến yếu tố có làm chủ được công nghệ hay không
Theo TS Trần Đình Bá, Hội Kinh tế Vận tải Đường sắt, đây là một dự án rất lớn với tổng số tiền đầu tư khổng lồ, cần phải cân nhắc rất cẩn trọng bài toán kinh tế, hiệu quả, công nghệ, nhân lực, quản lý. Đặc biệt, phải trưng cầu dân ý để có quyết định khách quan, hợp lòng dân.
Còn theo TS Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì chưa nên đầu tư đướng sắt cao tốc tại thời điểm này vì không hiệu quả, không thể hoàn vốn, nợ công, nợ quốc gia tăng cao gây bất ổn kinh tế vĩ mô. PGS.TS Phạm Bích San cũng cho rằng, nên dừng dự án đến một thời điểm thích hợp hơn, thay vì cố gắng để làm trong khi rất nhiều vấn đề chưa được giải quyết.
Theo PGS.TS Lê Bộ Lĩnh, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII, phương án của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra phù hợp hơn về mặt công nghệ, khả năng đầu tư và có thể giải quyết được điểm nghẽn trong vận tải. Tuy nhiên, dù lựa chọn phương án nào cũng phải tính thêm yếu tố đội vốn. Bởi lẽ giải phóng mặt bằng ở nước ta chưa bao giờ là câu chuyện dễ dàng. Chưa kể câu chuyện lựa chọn làm đường ray trên cao hay dưới mặt đất. Bất cứ phương án nào đưa ra cũng phải xét đến yếu tố chúng ta có làm chủ được công nghệ hay không? Dự án này có gắn với sự phát triển của công nghệ đường sắt không, đầu tư có thực sự hiệu quả hay không.
Đại biểu Quốc hội Lê Công Nhường, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội ủng hộ quan điểm nên phát triển đường sắt tốc độ cao 200km/h trong điều kiện ngân sách và trình độ khoa học kỹ thuật có hạn, kinh tế chưa phát triển cao. Kinh phí đầu tư cho đường sắt tốc độ cao 200km/h sẽ sẽ chỉ bằng 80% kinh phí so với đường sắt 320km/h mà tư vấn đề xuất.
Đại biểu Quốc hội Lê Công Nhường cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cần lưu tâm đến lưu ý của các chuyên gia về mối quan hệ giữa tốc độ vận hành với chiều dài cho sự tăng tốc, giảm tốc. Theo đó, tốc độ vận hành càng cao thì tổng chiều dài của các quãng đường cần có cho sự tăng tốc và giảm tốc trên một khu gian chạy tàu giữa hai nhà ga sẽ càng lớn, việc bố trí các khu gian giữa các nhà ga của đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có đáp ứng được yêu cầu nếu lựa chọn tốc độ 320km/h? Bộ Giao thông Vận tải cần có phương án tài chính chặt chẽ, có cơ chế đặc biệt để giảm những chi phí không cần thiết.
Chưa thể làm ra công nghệ vận hành đường sắt cao tốc
Theo TS Đặng Huy Đông, làm đường sắt cao tốc sẽ có chi phí rất cao, do đó giá vé cũng sẽ rất cao, đắt hơn cả đi máy bay sẽ không phù hợp cho vận tải hành khách đường dài. Thực tế ngay tại Nhật Bản, cái nôi sinh ra tàu cao tốc, với khả năng chi trả rất cao của dân cư và đi tàu cao tốc trở thành văn hóa đi lại của người Nhật, nhưng chưa bao giờ hoàn trả được chi phí đầu tư. Tiền vé chỉ đủ để cho cho vận hành và bảo dưỡng đoàn tàu và đường ray. Vé hai chiều đi từ Tokyo xuống Kyoto (khoảng 500km) là từ 300 - 500USD tùy từng thời diểm và hạng vé. Trong khi vé máy bay ở Việt Nam từ Hà Nội đi TPHCM dài 1.500km chỉ khoảng 300USD có lúc còn rẻ hơn thế. Rõ ràng tàu cao tốc không phải là lựa chọn đi lại đường dài phù hợp mức thu nhập của người dân Việt Nam.
“Cần nhớ rằng, đường sắt cao tốc 350km/h là đường sắt có đẳng cấp cao nhất của thế giới, cả về hạ tầng và phương tiện. Tiềm lực của đất nước chưa thể làm ra công nghệ vận hành đường sắt cao tốc, gây nên chi phí tốn kém trong quá trình xây dựng và cả vòng đời vận hành dự án, chúng ta phải lệ thuộc hoàn toàn các đối tác nước ngoài”, GS.TSKH Lã Ngọc Khuê cho hay.
Cùng với khả thi về phương diện tài chính, các doanh nghiệp Việt Nam có thể làm chủ trang bị kỹ thuật dự án. Nếu đầu tư công nghệ kỹ thuật cao, các doanh nghiệp Việt Nam bị gạt khỏi cuộc chơi, nhiều lắm chỉ có thể là nhà thầu cung ứng nhân công giá rẻ, như những gì từng xảy ra với các tuyến đường sắt đô thị.
Nói khác đi, phải làm sao để thông qua việc triển khai dự án mà làm nên một trình độ, một năng lực mới cho đất nước, có thể làm ra và vận hành đường sắt tốc độ cao, chứ không phải chúng ta bỏ tiền ra để đi mua một tuyến đường sắt tốc độ cao.