Tự điều trị, thai phụ 22 tuần phải nhập viện vì thuỷ đậu bội nhiễm

Thủy đậu ở phụ nữ mang thai không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến mẹ mà còn gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho con. Vì vậy, chị em cần chú ý để phòng tránh.

Nữ bệnh nhân cho biết khoảng 4 ngày nay bệnh nhân xuất hiện đau họng, chảy mũi, nổi nốt phỏng toàn thân, kèm đau khớp gối 2 bên âm ỉ tự dùng thuốc không rõ, sau xuất hiện mẩn đỏ da toàn thân, ngứa nhiều , lan nhanh nên đã đến Bệnh viện đa khoa Hùng Vương điều trị.

Khi tiếp nhận bệnh nhân các bác sĩ nhanh chóng kiểm tra toàn diện cho bệnh nhân và thai nhi, tình trạng thai nhi ổn định, thai phụ phải nhập viện điều trị với chẩn đoán thuỷ đậu bội nhiễm.

Sau hai ngày điều trị tình trạng sức khỏe của bệnh nhân ổn định, các mụn nước khô dần.

Tự điều trị thai phụ 22 tuần phải nhập viện vì thuỷ đậu bội nhiễm

Tự điều trị thai phụ 22 tuần phải nhập viện vì thuỷ đậu bội nhiễm

ThS.BS Nguyễn Hồng Hà, Nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới TƯ cho biết, thủy đậu là bệnh lây qua đường hô hấp khi người lành hít phải những giọt li ti trong không khí thải ra từ mũi họng do người bệnh ho hay hắt hơi, hoặc lây qua tiếp xúc với mụn nước của người bệnh.

Thậm chí có thể lây khi trẻ tiếp xúc với dụng cụ trong nhà, quần áo, đồ chơi… có chứa siêu vi trùng gây bệnh. Mặt khác, bệnh cũng truyền qua nhau thai từ mẹ sang con nếu người mẹ đang mang thai bị nhiễm thủy đậu.

Vì vậy, phụ nữ mang thai không nên tiếp xúc với người bị thủy đậu. Nếu dự định mang thai thì các bà mẹ nên đi chích ngừa trước, tối thiểu là chích trước khi dự định có thai 1 tháng để phòng ngừa lây truyền bệnh cho con trong thời gian mang thai và sau sinh. Bởi phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm.

Các chuyên gia phân tích, phụ nữ đã từng nhiễm bệnh thủy đậu trước khi mang thai hoặc đã được chủng ngừa bệnh thủy đậu thì được miễn dịch với bệnh này, trong cơ thể đã có kháng thể chống lại bệnh. Do đó, khi mang thai, những thai phụ đã có kháng thể chống lại bệnh thủy đậu không cần phải lo lắng về biến chứng của bệnh đối với bản thân họ cũng như thai nhi.

Thai phụ nhiễm bệnh thủy đậu có nguy cơ viêm phổi do virus varicella 10 – 20%, trong số người viêm phổi do virus này nguy cơ tử vong lên đến 40%.

Tỉ lệ tử vong ở phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu cao nhất trong số những người lớn nhiễm bệnh này.

Đối với những thai phụ bệnh thủy đậu nguyên phát khi mang thai, sự ảnh hưởng của bệnh trên thai nhi tùy vào từng giai đoạn tuổi thai:

- Trong 3 tháng đầu, đặc biệt tuần lễ thứ 8 đến 12 của thai kỳ, nguy cơ thai nhi bị Hội chứng thủy đậu bẩm sinh là 0.4%. Biểu hiện thường gặp nhất của hội chứng thủy đậu bẩm sinh là sẹo ở da.

Những bất thường khác có thể xảy ra là tật đầu nhỏ, bệnh lý võng mạc, đục thủy tinh thể, nhẹ cân, chi ngắn, chậm phát triển tâm thần.

- Trong 3 tháng giữa, đặc biệt tuần 13 – 20 của thai kỳ, nguy cơ thai nhi bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh là 2%. Sau tuần lễ thứ 20 thai kỳ, hầu như không ảnh hưởng trên thai.

- Nếu người mẹ nhiễm bệnh trong vòng 5 ngày trước sinh và 2 ngày sau sinh, bé sơ sinh dễ bị bệnh thủy đậu lan tỏa do mẹ chưa có đủ thời gian tạo kháng thể truyền sang con.

Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm do virus Varicella Zoster gây ra, bệnh lây qua đường hô hấp, do đó khả năng lây truyền rất nhanh. Biểu hiện của bệnh rất dễ nhận ra khi người mắc bệnh bị sốt 2-3 ngày, nổi nốt sần đỏ khắp cơ thể (còn gọi là phỏng nước). Những nốt sần đỏ này xuất hiện thành từng đợt, lớp sần cũ xẹp xuống thì lớp sần mới lại mọc lên.

Nếu giữ vệ sinh tốt, không nhiễm trùng thì từ 7 đến 10 ngày, các nốt sần này sẽ bong vảy, khô đi, các vết sẹo sẽ mờ dần rồi tự mất.

Để phòng tránh dịch thuỷ đậu lây lan ra cộng đồng, nên đưa bệnh nhân đến khám tại các cơ sở y tế nhằm phát hiện bệnh sớm và cách ly người bệnh từ 7-10 ngày.

Bên cạnh đó, cần vệ sinh mũi, họng bệnh nhân hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý, cũng như làm vệ sinh thân thể và các đồ dùng cá nhân, nơi sinh hoạt của người bệnh.

Đối với trẻ nhỏ nên tránh không để trẻ gãi gây trầy xước các nốt phỏng nước sẽ dẫn đến nhiễm trùng da.

Theo Đời sống
back to top