Trương Văn Đa, phò mã Vua Thái Đức – kỳ 3: Quãng đời mai danh ẩn tích

Quãng đời mai danh ẩn tích của Trương Văn Đa sau khi cáo quan về nhà, tại chốn cũ An Thái một thời gian rồi biệt tăm, do vậy mà sử sách về sau thường nói rất khác nhau về khoảng thời gian còn lại của Ngài… vì tất cả đều chỉ là phỏng đoán.

Đình Phú Lễ, làng Bãi Đáp.

Lập làng Bái Đáp mới

Thời gian về lại An Thái là bước đường tính toán mai danh ẩn tích của vị Phò mã Tây Sơn. Rời An Thái, Ngài bí mật trở ra Thuận Hóa nhưng không quay về làng Bái Đáp quê cũ, mà đến định cư, lập nghiệp tại một vùng rừng sâu ngăn sông cách núi, tách biệt hẳn với cư dân quanh vùng.

Tại đây bằng tài trí của một vị tướng từng trăm phen trận mạc mà Ngài đã vượt qua bao gian lao thử thách của thú dữ, lam chướng và thiếu thốn mọi bề để tồn tại mà cùng với một vị họ Nguyễn khai canh nên vùng Thủy Yên, Thủy Cam thuộc xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế ngày nay. Với tâm thế luôn vọng về cố hương nên tên làng mới đã được Ngài đặt theo tên quê cũ là Bái Đáp.

“Theo địa bạ triều Nguyễn lúc đó có một phường hộ Bái Đáp đông tây giáp sách Thủy Cam khách hộ, Nam giáp chân núi, Bắc giáp sông. Thời vua Đồng Khánh, Bái Đáp là đơn vị ấp, đến thời vua Bảo Đại là đơn vị cấp xã, sau 1975 không còn tên Bái Đáp mà nhập vào thôn Thủy Yên và Thủy Cam nằm ngay dưới chân núi thuộc xã Lộc Thủy, Phú Lộc, Thừa Thiên – Huế.”

Địa danh Bái Đáp ngày nay thuộc thôn Thủy Cam. Phường hộ Bái Đáp này trước đây hầu như tách biệt với thế giới bên ngoài. Từ đây có thể theo sông ra đầm Cầu Hai đến cửa Tư Hiền ra Biển Đông. Trước đây muốn vào thôn này phải qua một con suối rất nguy hiểm.

Đổi tên để tránh truy sát

Tại Phú Lộc, được biết vẫn còn hai ông Trương Văn Hải và Trương Viết Đính là hậu duệ của Trương Văn An. Cả hai đều không rõ về sự nghiệp của ngài Trương Văn An.

Ông Hải là hậu duệ đời thứ 9 của Trương Văn An và với một khoảng thời gian từ đời ông An đến nay trên hai trăm năm ông Hải mới tìm về được cội nguồn ngày xưa của mình là làng Phú Lễ, và biết được ông Trương Văn An từng là phò mã Tây Sơn ngày nào.

Tuy nhiên trong gia phả họ Trương ở làng Phú Lễ không ghi chép gì về bà công chúa con Nguyễn Nhạc cùng con cái và đây là một vấn đề cần tìm hiểu.

Với vị trí địa lý kín đáo như vùng núi Thủy Cam này chắc chắn rất phù hợp cho vị anh hùng lánh nạn, che giấu tung tích để tránh sự truy sát của Nguyễn Ánh lúc đó.

Mộ của ông Trương Văn An hiện được cải táng trên một ngọn đồi có gắn bia đá chữ Hán (có phiên âm) khắc tên là Trương Văn An. Trước đây trong làng có xây một ngôi đình bằng gỗ sau một thời gian hư hỏng nên được thay bằng một khám thờ bằng bê tông, trong đó có bài vị thờ ông cùng ngài khai canh họ Nguyễn.

Về việc lý giải tại sao tên trong gia phả và tên trong sử liệu khác nhau. Chúng ta có thể lý giải nhiều cách: đổi tên để tránh việc truy sát của Trương Phúc Loan, rồi sau đó là Nguyễn Ánh (con cái, cháu chắt của Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ đều bị truy lùng tận diệt).

Do vậy khi phò mã Trương Văn Đa trốn về vùng núi Thủy Cam này, ông đã đổi tên thành Trương Văn An và kể từ đó con cháu của ông ở đây không hề biết gì về cuộc đời, sự nghiệp của ông.

Nguyễn Bảo Nam

Theo Đời sống
back to top