Trồng lúa ST25 ở miền Bắc cho chất lượng không cao

(khoahocdoisong.vn) - ST25 là giống lúa tôm, thiên về sinh trưởng trong điều kiện nước lợ. Đưa giống lúa này ra miền Bắc canh tác sẽ cho chất lượng không cao, đặc biệt là trồng vụ Xuân thì chất lượng gạo càng kém.

Hà Nội trồng thử nghiệm lúa ST25

Mối đây, Hội Nông dân huyện Đan Phượng (Hà Nội) đã đưa vào trồng khảo nghiệm giống lúa ST25 ở vụ xuân năm 2021. Cụ thể, vụ xuân năm 2021, Hội Nông dân huyện Đan Phượng đã phối hợp với Công ty Hoàng Giang, Công ty Phân bón lá A2 xây dựng mô hình trình diễn giống lúa chất lượng cao ST25 tại xã Thọ An, với diện tích 1.800m2. Mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ; sử dụng chế phẩm sinh học hữu cơ để sản xuất.

Hà Nội trồng thử nghiệm lúa ST25.

Hà Nội trồng thử nghiệm lúa ST25.

PGS.TS Nguyễn Văn Hoan, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lúa cho biết, KS Hồ Quang Cua khi nghiên cứu ra giống lúa ST18 (là dòng lúa ST đầu tiên) đã cùng thảo luận với PGS.TS Nguyễn Văn Hoan về những đặc tính của dòng lúa này để phát triển chuyên sâu. Theo đó, dòng lúa ST ra đời để thích hợp với điều kiện với vùng nuôi tôm ở Sóc Trăng. Khi đó, sau khi thu hoạch tôm thì sẽ trồng lúa. Đất này đã đầy đủ dinh dưỡng, quá trình trồng lúa không sử dụng bất cứ loại thuốc trừ sâu và phân bón hóa học này. Các dòng lúa ST24 và ST25 sau này cũng phát triển từ dòng ST18. Càng ở các thế hệ sau này thì lúa ST càng có khả năng chịu mặn cao hơn, đó cũng là đặc điểm của đất lúa tôm.

Tính chống chịu với điều kiện ngoại cảnh của giống lúa tốt, năng suất trung bình từ 60 - 70 tạ/ha. Một trong những ưu điểm nhất của giống lúa này là hạt gạo dài trắng trong, cơm ăn ngon, đậm và mềm. Tuy nhiên, khi trồng ở miền Bắc, giống lúa ST25 sẽ cho chất lượng không cao như trồng ở Sóc Trăng, năng suất cũng sẽ kém hơn và chất lượng hạt gạo cũng thấp hơn.

“Giống lúa này canh tác trong điều kiện ở miền Bắc thì có thể tỷ lệ hạt gạo gãy cao hơn, do đó, giá thành gạo cũng sẽ thấp hơn. Người trồng lúa phải lưu ý những đặc điểm này để không kỳ vọng quá cao khi canh tác. Việc trồng ở miền Bắc không có hại gì, nhưng sẽ không ngon như lúa trồng ở Sóc Trăng”, PGS.TS Nguyễn Văn Hoan cho biết thêm.

Trồng thử nghiệm vụ Xuân là sai lầm

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Hoan, giống lúa ST thường chỉ trồng 1 vụ, dù thời gian sinh trưởng ngắn. Nếu đưa giống lúa này ra trồng ở miền Bắc thì nên chọn trồng vào vụ mùa thay vì vụ xuân. “Khi đưa giống lúa này ra miền Bắc, mà lại trồng vào vụ xuân thì gạo sẽ không đạt chất lượng cao. Lý do là ở vụ xuân, biên độ nhiệt độ chênh lệch ngày và đêm không lớn nên không tạo ra được chất lượng gạo ngon. Không chỉ gạo ST mà tất cả các giống lúa khác đều như vậy. Ví dụ như giống gạo nếp Tú Lệ ở (Yên Bái) chỉ cho chất lượng cao khi được trồng ở vụ mùa. Đó là thời điểm chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm rất cao, khiến gạo có chất lượng cao. Hay giống chuối tiêu ở miền Bắc ăn vào mùa đông rất ngon, nhưng mùa hè lại rất chua, nhão dù quả rất to đẹp cũng là vì lý do thời tiết như vậy.

“Do đó, việc Hà Nội trồng thử nghiệm giống lúa ST25 ở vụ Xuân tôi cho là chưa hợp lý, khó tạo ra sản phẩm gạo thơm ngon, chất lượng cao. Gạo ngon hơn cả là được trồng ở vụ mùa. Tuy nhiên, loại gạo này hiện được thị trường rất ưa chuộng, nên có thể chỉ cần là giống gạo này thôi đã có thể dễ dàng tiêu thụ. Việc canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học… cũng là một tiêu chí tạo ra gạo chất lượng cao”, PGS.TS Nguyễn Văn Hoan cho hay.

Theo Đời sống
back to top