Các chuyên gia khuyến cáo, vào mùa đông khi gội đầu cần đặc biệt lưu ý những điều sau đây:
Ảnh minh họa |
Gội đầu bằng nước lạnh
Việc gội đầu bằng nước lạnh khiến các mạch máu ở da đầu co lại đột ngột, dễ bị chóng mặt khi đứng dậy, thậm chí các biểu hiện đến sớm như chóng mặt, đau đầu có thể làm gia tăng nguy cơ đột quỵ não.
Gội đầu bằng nước quá nóng
Nước nóng trên 45 độ sẽ lấy đi lớp dầu tự nhiên (khác với dầu thừa gây bết tóc) trên da đầu. Không những vậy còn khiến da đầu dễ bong tróc gây ra tình trạng gàu. Nước ấm vừa phải (tùy theo cảm nhận) làm sạch bã nhờn tích tụ, thải độc Da đầu, từ đó giúp thư giãn, lưu thông máu trên da đầu và giảm chứng đau đầu.
Gội đầu trước sau đó mới tắm rửa cơ thể
Các chuyên gia đã từng khuyến cáo việc trình tự tắm rửa, đặc biệt nên lưu ý thông tin này vào mùa lạnh. Nên tắm từ cổ trở xuống dưới sau đó mới nên quay trở lại đỉnh đầu.
Tuy nhiên, đa phần chúng ta thường có thói quen gội đầu trước hoặc gội trực tiếp trong quá trình tắm. Điều này khiến cơ thể bị thay đổi nhiệt độ đột ngột, rất dễ làm co thành mạch máu, khiến mạch máu đông lại rất nguy hiểm. Còn nếu tắm nước nóng nhưng sai trình tự cũng có thể gây ra sự thay đổi đột ngột trong huyết áp, nhiệt có thể gây giãn mạch.
Đặc biệt, việc để đầu ướt trong một khoảng thời gian dài cũng khiến đầu bị lạnh, nếu phòng tắm thoáng gió có thể khiến bạn bị cảm lạnh, đau đầu, choáng váng...Trình tự khi đi tắm và gội đó là: Rửa mặt - tắm toàn thân - cuối cùng là gội đầu.
Nam giới nên chú ý không dội nước trực tiếp lên đầu trong quá trình tắm. Nhiều tai nạn đáng tiếc ở các bạn trẻ cũng xuất phát từ thói quen xấu này.
Gội đầu mỗi ngày
Để cơ thể thư giãn hơn sau một ngày làm việc, phụ nữ thường có thói quen gội đầu mỗi ngày. Tuy nhiên, Đông y đánh giá cơ thể con người phải chịu ảnh hưởng rất lớn vào thời tiết, gội đầu quá nhiều làm tăng nguy cơ cảm lạnh, trúng gió, nguy hiểm hơn khi bạn gội đầu bằng nước lạnh hoặc gội ở nơi có gió lùa.
Khoa học cũng chứng minh, gội đầu quá nhiều có thể gây hư tổn nghiêm trọng đến da đầu và tóc, khiến tóc dễ gãy rụng hơn. Chưa kể hầu hết các sản phẩm chăm sóc tóc còn chứa hương liệu, chất tạo bọt... lạm dụng chắc chắn sẽ hại sức khỏe.
Các chuyên gia da liễu khuyên rằng bạn nên gội đầu 2 ngày/lần. Thời gian gội đầu chỉ nên kéo dài 10-15 phút là đủ.
Gội đầu vào đêm muộn hoặc sáng sớm
Ban đêm và sáng sớm là hai thời điểm nhiệt độ giảm thấp, lúc này cơ thể thường rơi vào trạng thái nghỉ ngơi, đây cũng là thời điểm thể chất con người mệt mỏi, thiếu tỉnh táo. Do vậy cần cẩn trọng khi tắm hoặc gội đầu vào thời gian này, tốt nhất là không nên.
Vùng đầu vốn là nơi dễ cảm lạnh, khiến các dây thần kinh co lại gây tắc nghẽn mạch máu. Từ đó có thể dẫn đến liệt mặt, méo miệng, gây tai biến, đột quỵ và tử vong. Ngay cả khi cơ thể đang mệt mỏi hoặc vừa đi làm/đi tập về bạn cũng không nên tắm gội khi đã muộn.
Cần cẩn trọng việc gội đầu vào mùa lạnh, đặc biệt với những người có thể trạng yếu hoặc đang mắc các bệnh lý như huyết áp, tiền đình, suy nhược thần kinh, người cao tuổi hoặc đang bị ốm càng nên cẩn thận.
Trong trường hợp phải gội đầu vào ban đêm, bạn cần lau và sấy khô tóc ngay sau khi gội, tuyệt đối không nên để tóc còn ẩm khi đi ngủ.
Ngày lạnh, gội đầu thế nào để không hại sức khỏe?
Trong những ngày lạnh thì nên gội đầu với nước ấm khoảng 40 độ. Thay vì dùng nước nóng già, hãy pha nước lạnh với nước nóng sao cho vừa đủ ấm.
Gội đầu trong phòng kín gió, có thể bật máy sưởi để làm giảm sự chênh lệch nhiệt độ trước khi gội.
Không nên gội đầu quá nhiều lần, duy trì thói quen này từ 2-3 lần/tuần là đủ.
Gội đầu nhẹ nhàng trong 7-10 phút mỗi lần, tránh gội quá lâu sẽ dễ bị nhiễm lạnh.
Không gội đầu vào buổi đêm hay khi cơ thể đang mệt mỏi.
Sau khi gội hãy nhanh chóng lau và sấy khô phần tóc sát da đầu trước tiên.