Vào viện đã di căn lan tràn
Theo ThS.BS Trần Anh Tuấn, Khoa Ngoại Quán Sứ, Bệnh viện K T.Ư, trong tuần qua khoa vừa phẫu thuật cho bệnh nhân nam (19 tuổi, Nam Định) bị UTĐTT giai đoạn 4, khi khối u đã lan tràn khắp nơi.
Bệnh nhân cho biết, thỉnh thoảng bị đau bụng quanh rốn khi buồn đại tiện, cảm giác mót đại tiện, không sốt, không nôn, không gầy sút cân. Gần đây, bị đi ngoài ra máu đi khám nội soi được kết luận UTĐTT. Và kết quả chiếm chụp chuyên sâu cho thấy khối u đã di căn lan tràn.
ThS.BS Trần Anh Tuấn cho biết, các khối u đại trực tràng ở bệnh nhân trẻ có tốc độ phát triển nhanh hơn những người lớn tuổi và thường được phát hiện ở giai đoạn muộn hơn. Bởi ở giai đoạn sớm, UTĐTT thường không có biểu hiện rõ ràng khiến người bệnh chủ quan, lầm tưởng với nhiều bệnh lý đường tiêu hoá nên không đi khám đến khi sụt cân, mệt mỏi, thấy đi ngoài ra máu nhiều... thì u đã ở giai đoạn muộn.
BS Kenichiro Imai (Nhật Bản) thị phạm ca nội soi cắt khối u đại tràng cho bệnh nhân tại Bệnh viện K. |
TS Nguyễn Tiến Quang, Phó Giám đốc Bệnh viện K T.Ư cho biết, tại Việt Nam, năm 2000, số ca mắc mới UTĐTT ở cả 2 giới là 5.400 ca, đến năm 2010 là hơn 13.000 ca và đến năm 2018 đã tăng lên gần 15.000 ca, gấp gần 3 lần trong vòng 18 năm, trong đó có gần 9.300 ca tử vong. Hiện bệnh đang xếp thứ 5 trong số các ung thư phổ biến nhất Việt Nam, đứng sau ung thư gan, ung thư phổi, ung thư dạ dày và ung thư vú nhưng theo dự báo đến 2025, UTĐTT sẽ vươn lên hàng thứ 2 ở nam giới và thứ 4 ở nữ giới. Tại Bệnh viện K T.Ư mỗi năm phẫu thuật cho khoảng 22.000 – 23.000 bệnh nhân ung thư, trong đó riêng ung thư đại trực tràng đã chiếm 4.000 – 5.000 ca, tương đương 11 - 13 bệnh nhân/ngày.
TS.BS Phạm Văn Bình, Trưởng khoa Ngoại bụng I, Bệnh viện K T.Ư cho biết, trước đây UTĐTT thường gặp ở độ tuổi ngoài 50 nhưng hiện nay bệnh đang có xu hướng trẻ hóa, với độ tuổi 20 -30, thậm chí bệnh viện từng phẫu thuật cho các bệnh nhi trên dưới 10 tuổi. Mới đây, bệnh viện vừa phẫu thuật cho một bé trai 9 tuổi và trước đó là 1 bé 10 tuổi vào viện cấp cứu do đau bụng, tắc ruột. Khi xét nghiệm, bác sĩ phát hiện có khối ung thư biểu mô tuyến ở đại tràng sigma. Khi mổ, kích cỡ khối u đã lên tới 6 cm, xâm lấn vào thành đại tràng, ở giai đoạn muộn.
Bệnh liên quan đến lối sống
Theo TS Nguyễn Tiến Quang, sở dĩ UTĐTT ở nước ta cũng như nhiều nước đang phát triển tăng nhanh và trẻ hóa là do liên quan trực tiếp đến lối sống, chế độ ăn. Trong đó béo phì, ít vận động, tiêu thụ nhiều thịt đỏ, ăn ít trái cây và rau xanh, nạp nhiều chất béo, thức ăn nhanh, uống nhiều rượu, hút thuốc lá... là những yếu tố nguy cơ gia tăng tỉ lệ mắc bệnh.
Lý giải tình trạng ngày càng nhiều người trẻ mắc UTĐTT, PGS.TS Đoàn Hữu Nghị, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Hà Nội, nguyên Giám đốc Bệnh viện E cho biết: UTĐTT nằm ở phần ruột cuối, tỷ lệ ung thư xuất hiện trên polyp, trên gene di truyền cao hơn, 10 - 20% UTĐTT là do biến loạn gene. Ví dụ, một người trẻ mang gene UTĐTT mà chế độ ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh thì những tổn thương polyp có thể ung thư hóa, hay các gene ngủ có thể “thức dậy” sinh ung thư.
Trong cuộc sống hiện nay, nhiều người có thói quen ăn uống, sinh hoạt chưa khoa học nên hay bị rối loạn tiêu hóa và thường chủ quan không nghĩ tới UTĐTT. Trên thực tế, dù tương đối khó nhận biết UTĐTT nhưng nếu quan sát kỹ, chúng ta vẫn có thể tự phát hiện các dấu hiệu của bệnh gồm: Chảy máu hậu môn; Máu trong phân; Thay đổi thói quen đại tiện ít nhất 3 tuần; Sụt cân không rõ lý do; Mệt mỏi, kiệt sức không rõ nguyên nhân; Đau bụng...
Để phòng ngừa UTĐTT, các chuyên gia cũng khuyến cáo người dân nên hạn chế ăn nhiều thịt, chất béo có nguồn gốc từ đạm động vật; bổ sung đầy đủ chất xơ từ lúa mạch, trái cây, rau tươi, các vitamin E, C, và A… và duy trì chế độ sinh hoạt năng động, luyện tập thể dục thường xuyên. Những người có tiền sử viêm đại tràng mạn tính, trong gia đình có người thân từng mắc ung thư đường tiêu hóa (thực quản, dạ dày, đại tràng), hoặc khi có triệu chứng sụt cân không rõ lý do, táo bón, đầy bụng, đi tiêu ra máu, ói ra máu… nên đi khám ngay để tầm soát, phát hiện và điều trị kịp thời.