Ca mổ thành công mà không thấy vui
PGS.TS Nguyễn Văn Tuyên, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện K cho biết, UTBT là 1 trong 5 bệnh ung thư nguy hiểm nhất ở phụ nữ. Bệnh chỉ chiếm 5% các ung thư ở nữ nhưng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong số các ung thư phụ khoa.
Tại Việt Nam, tỷ lệ mới mắc ung thư buồng trứng là 5,6/100.000 phụ nữ. Trước đây, hầu hết các trường hợp xuất hiện ở tuổi trên dưới 50, một số ít UTBT thể tế bào mầm xuất hiện ở người trẻ nhưng hiện nay, rất nhiều chị em đang ở độ tuổi 20, chưa xây dựng gia đình hoặc đang trong độ tuổi sinh đẻ phát hiện bị UTBT ở giai đoạn muộn. Chỉ tính riêng thể u tế bào mầm ác tính thường xuất hiện ở tuổi trẻ, với đỉnh cao ở lứa tuổi 20 đã chiếm khoảng 10 – 15% UTBT.
Khối u buồng trứng trong bụng bệnh nhân. |
UTBT nếu phát hiện ngay giai đoạn đầu, bệnh nhân khỏi bệnh và có cơ hội sống sót cao đến hơn 90%, nhưng thực tế có tới 70 – 75% bệnh nhân được phát hiện muộn. PGS.TS Nguyễn Văn Tuyên chia sẻ, nhiều ca mổ cắt được khối u, nhưng ông và đồng nghiệp không hề thấy vui vì ung thư đã di căn khắp nơi, cơ hội sống cho bệnh nhân không nhiều.
Bệnh nhân trẻ gần đây được bác sĩ vừa mổ mới 20 tuổi bị ung thư tế bào mầm của buồng trứng. Rất tiếc u đã phát triển cả 2 bên buồng trứng. Phẫu thuật bảo tồn tối đa phần còn lành, sau đó hóa trị. Hy vọng bệnh nhân trở lại cuộc sống bình thường.
Một trường hợp khác là cháu bé 14 tuổi mang khối u UTBT lớn chiếm hết cả khoang bụng, chèn ép nhiều cơ quan trong ổ bụng. Đặc biệt, ngoài khối u lớn còn có vài chục nhân di căn ổ bụng xâm lấn xung quanh. Kíp phẫu thuật đã phải cắt tử cung toàn bộ, cắt buồng trứng hai bên, cắt mạc nối lớn, công phá cắt khối u khủng và lấy tối đa các nhân di căn ổ bụng...
PGS.TS Nguyễn Văn Tuyên cho biết, phẫu thuật đóng vai trò quan trọng trong UTBT. Phẫu thuật giúp đánh giá giai đoạn chính xác vì trong khi phẫu thuật có thể kiểm tra tình trạng khối u, buồng trứng đối bên và toàn bộ các tổn thương trong ổ bụng. Phương pháp phẫu thuật đầy đủ bao gồm: cắt tử cung toàn bộ, phần phụ hai bên, mạc nối lớn. Lấy bỏ hoặc phá hủy tối đa các khối u di căn, sao cho các khối còn lại kích thước ≤ 1cm, lấy bỏ hạch di căn và lấy dịch rửa ổ bụng làm tế bào học. Ngoài ra, còn có thể được chỉ định truyền hóa chất và xạ trị tùy theo biểu hiện bệnh. Vì vậy, phẫu thuật ở giai đoạn muộn làm mất đi quyền làm mẹ của người phụ nữ.
Nên quan tâm đến bản thân và bé gái
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Tuyên, các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc UTBT nói chung và giới trẻ nói riêng như: Sự tác động tiêu cực từ môi trường bị ô nhiễm, thức ăn chứa hóa chất độc hại, chế độ sinh hoạt, biến đổi gene, lấy chồng sinh con muộn, tiền sử ung thư vú, ung thư đại tràng... khiến cho tỷ lệ người mắc bệnh này ngày càng tăng.
Do buồng trứng có vị trí nằm sâu trong tiểu khung và là tạng duy nhất nằm hoàn toàn trong ổ phúc mạc, các triệu chứng của UTBT ở giai đoạn đầu thường mờ nhạt và không đặc trưng, dễ bị nhầm lẫn với rối loạn tiêu hóa thông thường nên thường được chẩn đoán nhầm.
Vì vậy, khi thấy có biểu hiện đầy bụng, đầy hơi kéo dài, táo bón, khó chịu, buồn nôn, đầy khí trong bụng, đi tiểu thường xuyên, chán ăn, ăn nhanh no, đau vùng chậu, đau xương chậu kéo dài, các cơn đau nhói, dai dẳng, vòng bụng to, tăng hoặc giảm cân không rõ lý do, chảy máu âm đạo bất thường… cần đi khám ngay. Tránh để lâu UTBT đã lan tràn ra tử cung, vòi trứng, các cơ quan ngoài ổ bụng: màng bụng, hạch bạch huyết, gan, phổi… việc chẩn đoán hết sức khó khăn. Thậm chí có trường hợp khối u bị vỡ gây chảy máu đe dọa tính mạng.
UTBT nếu phát hiện ngay giai đoạn đầu, bệnh nhân khỏi bệnh và có cơ hội sống sót cao đến hơn 90%. Điều này đặc biệt quan trọng với những bé gái bị ung thư chưa lan rộng được điều trị bằng phương pháp bảo tồn tối ưu, không phải cắt bỏ tử cung, buồng trứng.