Phẫu thuật lấy thai cùng u buồng trứng kích thước lớn

(khoahocdoisong.vn) - Đang có thai ở tuần 32 bị vỡ ối song cổ tử cung bị đóng kín bởi khổi u buồng trứng lớn. Nhờ phẫu thuật cấp cứu cả mẹ và bé đã được cứu sống.

Mổ cứu thai, cắt u và phần phụ

Sản phụ L.T.O. (36 tuổi, Thanh Ba, Phú Thọ) đang ở tuần thứ 32 của thai kỳ thì bị vỡ ối vào nhập viện trong tình trạng cổ tử cung đóng kín. Kết quả thăm khám cận lâm sàng các bác sĩ phát hiện có một khối to ở vùng tử cung bên phải. Ngay lập tức sản phụ được chỉ định phẫu thuật cấp cứu lấy thai kết hợp cắt phần phụ bên phải.

BSCKI Nguyễn Thị Diến, Phó Trưởng khoa Sản bệnh lý, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ - phẫu thuật viên chính trực tiếp thực hiện ca mổ cho biết, đây là trường hợp sản phụ khá đặc biệt, có khối u kích thước lớn nên phải thực hiện mở bụng theo đường trắng giữa dưới rốn để mở rộng phẫu trường. Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ đã lấy thai thành công một bé gái 1,7kg và cắt một khối u buồng trứng dạng bì to với kích thước 13x14cm.

Khối u buồng trứng được lấy ra.

Khối u buồng trứng được lấy ra.

Các chuyên gia sản phụ khoa cho biết, u nang buồng trứng khá thường gặp ở nữ giới ở bất kỳ lứa tuổi nào, có thể phổ biến cả trong thai kỳ. Không ít phụ nữ chỉ phát hiện ra mình có u nang buồng khi khi đi khám thai.

Nguyên nhân gây u nang buồng trứng khi mang thai là do hoàng thể không tiêu biến mà vẫn tiếp tục chứa đầy chất lỏng và vẫn hiện diện trên buồng trứng, gọi là nang hoàng thể. Hoặc thai phụ có thể có một hay nhiều nang buồng trứng trước khi mang thai mà chưa từng phát hiện. 

Sản phụ được cứu sống đang chăm sóc con.

Sản phụ được cứu sống đang chăm sóc con.

Cẩn thận biến chứng nguy hiểm cả mẹ và con

Theo BSCKI Nguyễn Thị Diến, u nang buồng trứng thường lành tính, nhưng có những trường hợp u nang phát triển trong giai đoạn mang thai có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng cho cả mẹ và bé. Đặc biệt, trong quá trình thai phát triển, u nang buồng trứng cũng có khuynh hướng tăng trưởng về kích thước, có thể làm tăng nguy cơ sẩy thai, sinh non và nhau tiền đạo. Ngược lại, tình trạng mang thai của người mẹ cũng có thể làm tăng biến chứng u nang buồng trứng ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ, kể cả sau khi sinh con, dễ gặp nhất là tình trạng nang xoắn, vỡ u nang...

Vì vậy, các chuyên gia đều khuyên, khi phát hiện u nang thai phụ phải được các bác sĩ theo dõi chặt chẽ trong suốt quá trình thai kỳ để đảm bảo u nang không gây ra vấn đề gì nghiêm trọng. Hầu hết các u nang đều có thể tự tiêu biến trong thai kỳ mà không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu gặp phải trường hợp u nang xoắn thì các bác sĩ thường sẽ can thiệp kịp thời bằng phương pháp phẫu thuật nội soi. Các nang hoàng thể nếu tiếp tục diễn tiến và có nguy cơ ảnh hưởng đến thai kỳ sẽ được các bác sĩ xem xét can thiệp chủ động vào tuần thứ 13 của thai kỳ hoặc vào 3 tháng giữa thai kỳ để không làm ảnh hưởng đến thai nhi.

Theo Đời sống
back to top