Tre chữa ho khan đờm rát

(khoahocdoisong.vn) - Cây tre còn có tên gọi khác là là cây trúc nhị thanh, cây trúc nhự, trúc lịch, là một loài cây vô cùng thân thuộc, gần gũi với làng quê Việt Nam từ xưa tới nay.

Các bộ phận của cây tre đều có thể dùng làm thuốc như trúc nhự (vỏ cây tre), trúc diệp (lá tre non), trúc lịch (cây tre non nướng, vắt lấy nước dùng), trúc hoàng (màng màu trắng hoặc vàng bên trong cây tre).

Theo sách Tuệ Tĩnh, tre làm thuốc tốt nhất là tre gai, thuộc họ tre trúc. Các bộ phận cây tre nói chung đều có vị ngọt hơi đắng, tính mát. Măng tre là mầm non cây tre chứa nhiều chất dinh dưỡng, măng thường dùng tươi thái lát muối chua, xào thịt, nấu canh, kho cá, phơi khô... Trúc diệp tác dụng thanh nhiệt, hạ sốt, giảm nôn, cầm huyết, giải cảm cảm nhiệt, ôn bệnh… chữa trị nóng sốt, cảm nắng, cảm ho,viêm nhiễm đường hô hấp, sốt cao phiền nhiệt. Lá tre chứa nhiều chất khoáng như selen, silic, magne, kali, canxi… là chất bù lại sự mất nước và muối khoáng do ra nhiều mồ hôi. Liều dùng tươi 50g, khô bằng 1/2 sắc uống. 

Trúc lịch tác dụng thanh nhiệt, tiêu khát, trừ đờm, chữa trị sốt cao phiền nhiệt, kinh phong ứ đờm, trúng phong cấm khẩu. Lấy măng vòi tre non hơ qua lửa, vắt lấy nước, người lớn khoảng 40 - 50ml uống hoặc pha ít nước gừng uống, trẻ em dùng liều 1/2 liều. Trúc nhự tác dụng thanh nhiệt, trừ phiền, chữa trị nóng sốt, buồn nôn, xuất huyết, chảy máu cam, tiểu ra máu, băng huyết. Dùng 15 - 20g tẩm nước gừng sao qua sắc uống. Để chữa cảm cúm, sốt cao người ta lấy 16g lá tre, 12g cam thảo đất, 16g kim ngân hoa, 8g kinh giới và 8g bạc hà sắc thuốc uống ngày 1 thang. Chữa ho khan, đờm rát, đau rát cổ họng lấy lá tre, vỏ rễ dâu và rau má mỗi thứ 12g, quả dành dành 8g, lá chanh 8g, cam thảo 6g, đem sắc thuốc uống 2 lần/ngày sau bữa ăn. Để trị ho suyễn hoặc trúng phong cấm khẩu lấy gừng sống cạo vỏ, rửa sạch, giã vắt lấy nước cốt tầm 1 chén, sau đó hòa với 1 chén trúc lịch uống đều đặn hằng ngày.

Lương y Nguyễn Nghĩa (Vĩnh Phúc)

Theo KH&ĐS
back to top