Tiêu chảy là tình trạng đi ngoài phân lỏng, có nhiều nước hơn bình thường hoặc phân toàn nước, đi ngoài trên 3 lần trong vòng 24 giờ. Trẻ sơ sinh được nuôi bằng sữa mẹ thường đi ngoài trên 3 lần trong một ngày nhưng phân nát hoặc sền sệt thì không phải là tiêu chảy.
Tiêu chảy là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm dễ gặp ở bất kỳ đối tượng, độ tuổi nào, thường phổ biến ở trẻ dưới 5 tuổi. Những trường hợp bệnh nhẹ, có thể kết thúc sớm trong vòng 1-2 ngày. Tuy nhiên, có những trường hợp diễn biến xấu và kéo dài hơn, đó là khi người bệnh xuất hiện triệu chứng tiêu chảy kéo dài.
Tiêu chảy kéo dài thường xuất hiện trên 14 ngày và được phân làm 2 loại, bao gồm: Tiêu chảy cấp tính và tiêu chảy mãn tính. Với tiêu chảy cấp, thời gian bệnh sẽ kéo dài khoảng 2 tuần. Còn đối với tiêu chảy mãn tính, thời gian bệnh sẽ dai dẳng từ 3-4 tuần. Nói cách khác, người bệnh tiêu chảy kéo dài sẽ gặp tình trạng đi ngoài lặp đi lặp lại trong một khoảng thời gian dài nếu không tìm hiểu nguyên nhân và cách điều trị đúng.
Thời tiết giao mùa nóng, ẩm là điều kiện thuận lợi để các virus, vi khuẩn bùng phát, gây tiêu chảy kéo dài. Bệnh có thể lây lan nhanh và gây thành dịch lớn, nhất là ở những khu vực dân cư đông người, bệnh lây theo đường tiêu hóa qua thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn. Khi bị tiêu chảy, trẻ có nguy cơ suy dinh dưỡng, thậm chí tử vong nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách.
Nguy hiểm khi bị tiêu chảy
Tiêu chảy kéo dài có thể xuất hiện từ một tuần đến 3 – 4 tuần. Nếu được xử lý đúng cách, bệnh sẽ không gây ảnh hưởng nhiều sức khỏe. Tuy nhiên, nếu phụ huynh chủ quan không phát hiện, điều trị kịp thời cho trẻ bị tiêu chảy, một số trường hợp có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng, khiến trẻ rơi vào hôn mê, suy kiệt, ảnh hưởng đến sức khỏe, gây trụy mạch, suy dinh dưỡng, mất nước.
Nếu đi ngoài quá nhiều lần có thể gây hăm loét đỏ ở vùng quanh hậu môn.
Suy dinh dưỡng: Tiêu chảy là nguyên nhân hàng đầu gây suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi, tác động bất lợi đến sự tăng trưởng của trẻ em và sự phát triển nhận thức. Trẻ em tử vong vì tiêu chảy phần lớn đều bị suy dinh dưỡng, đồng thời tiêu chảy sẽ khiến cho tình trạng suy dinh dưỡng trở nên tồi tệ hơn.
Mất nước, mất điện giải: Mối đe dọa nghiêm trọng nhất do tiêu chảy là mất nước. Trong giai đoạn tiêu chảy, nước và chất điện giải (natri, clorua, kali và bicarbonate) bị mất qua phân lỏng, nôn mửa, mồ hôi, nước tiểu và thở. Nếu không bù nước kịp thời, người bệnh có thể bị co giật, tổn thương não, thậm chí tử vong.
Những sai lầm cần tránh khi trẻ bị tiêu chảy
Không cho trẻ uống nước vì sợ trẻ tiêu chảy nhiều hơn
Nước không làm cho tình trạng tiêu chảy cấp trở nên nặng hơn. Nguyên nhân đi cầu là do ruột bị kích thích và tăng dịch ruột, không liên quan gì đến việc bổ sung nước. Ngược lại, đi cầu ra nước liên tục khiến cơ thể bị thiếu nước trầm trọng, cần bổ sung nước để tránh bị kiệt nước. Các cơ quan khác và phần ruột chưa bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh vẫn cần nước và chất dinh dưỡng như bình thường để duy trì hoạt động.
Cho trẻ uống các thuốc cầm tiêu chảy
Không uống các thuốc cầm tiêu chảy như: Nước đọt ổi non, nước sắc vỏ măng cụt, các loại thuốc cầm tiêu chảy vì sẽ làm tích tụ vi khuẩn, virus và chất độc lại trong ruột. Đây là một trong những sai lầm thường gặp nhất khi điều trị tiêu chảy cấp. Nhiều cha mẹ tự ý ra hiệu thuốc mua các loại thuốc cầm tiêu chảy về cho trẻ uống. Điều này rất nguy hiểm. Tiêu chảy cấp là do đường ruột bị nhiễm khuẩn, nhiễm vi rút. Việc đi cầu nhiều lần là phản ứng của cơ thể nhằm đào thải các chất độc, vi khuẩn đó ra ngoài. Sử dụng các thuốc cầm tiêu chảy sẽ cản trở quá trình tự đào thải của cơ thể. Hơn nữa, các loại thuốc cầm tiêu chảy sẽ làm giảm nhụ động ruột khiến phân không thải ra ngoài được. Nghĩa là thực chất trẻ vẫn bị tiêu chảy nhưng lại không đi cầu để thải phân ra ngoài. Phân dồn ứ lại trong ruột sẽ khiến trẻ bị đau bụng, viêm ruột, tắc ruột, thậm chí là tử vong.
Không cho trẻ bệnh ăn, uống hoặc kiêng cữ quá mức chỉ cho ăn cháo muối
Nhiều bậc phụ huynh vì lo sợ trẻ không tiêu hóa được nên cho trẻ kiêng cữ rất kỹ, chỉ cho ăn cháo muối. Khi đường ruột bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc gây tiêu chảy thì những phần ruột chưa bị tổn thương vẫn hấp thu được nước và chất bổ dưỡng như bình thường nên cần phải cho trẻ tiếp tục ăn như bình thường và uống nhiều nước hơn để chống kiệt nước và phòng suy dinh dưỡng cho trẻ bệnh. Ngoài ra, bạn không nên đổi sữa cho trẻ khi thấy trẻ bị tiêu chảy.
Thực phẩm không nên dùng cho trẻ tiêu chảy:
+ Đồ ăn nhanh
+ Sản phẩm từ sữa.
+ Sản phẩm có nhiều đường đơn: nước ngọt, kẹo, bánh.
+ Các thực phẩm gây đầy hơi: đậu đỗ, cải bắp, súp lơ, hành, cải xanh.
+ Thức ăn nhiều chất béo.