Trẻ bị tăng huyết áp biến chứng còn nặng hơn người già

Nhiều người nghĩ bệnh tăng huyết áp chỉ bị ở người già nhưng người trẻ cũng bị tăng huyết áp nhiều mà không biết. Nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe khi bị tăng huyết áp còn lớn hơn cả người già.

Người trẻ nguy cơ tăng huyết áp cao

Bị tăng huyết áp nhưng không biết

TS. Đỗ Doãn Lợi, Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia, Phó Chủ tịch Hội tim mạch học Việt Nam cho biết, trường hợp người trẻ bị tăng huyết áp (THA) ngày càng gia tăng. Theo số liệu mới nhất từ Chương trình phòng, chống THA quốc gia thì tỷ lệ các ca mắc bệnh trên 25 tuổi chiếm 47,3% (tương đương xấp xỉ 20,8 triệu bệnh nhân). Khả năng mắc bệnh ở nam giới cao hơn nữ giới với tỷ lệ tương ứng là 56,4% và 42,6%.

Phần lớn người trẻ, người gầy không nghĩ mình có thể bị bệnh THA. Họ chỉ tình cờ phát hiện bệnh trong những đợt khám sức khỏe định kỳ hoặc bệnh nhân đến khám bệnh vì lý do khác. Bởi không phải người mắc THA lúc nào cũng có triệu chứng rõ như chóng mặt, đau đầu, ù tai, khó thở… Thậm chí có trường hợp đột tử mà trước đó vài phút vẫn thấy khỏe mạnh, nói chuyện bình thường.

THA có hai loại là tiên phát (90 – 95% trường hợp, không biết nguyên nhân) và thứ phát (5 – 10% trường hợp, biết nguyên nhân). Các yếu tố nguy cơ của THA thứ phát, đặc biệt ở người trẻ thường do bệnh tuyến thượng thận, mạch máu thận, bệnh nhu mô thận, thói quen sinh hoạt không tốt như dùng nhiều rượu bia, hút thuốc lá, ăn quá mặn…

THA gây ra nhiều biến chứng về tim, mắt, não, thận và các mạch máu lớn. Nếu gặp biến chứng của tăng huyết áp ở mắt có khả năng sẽ mù vĩnh viễn, không thể điều trị bằng thay thủy tinh thể như bệnh đục thủy tinh thể. Huyết áp cao gây ra thiếu máu cơ tim do tim phải làm việc nhiều hơn, lâu ngày tim phải co bóp mạnh dẫn đến suy tim. Ngoài ra còn dẫn tới rối loạn cholesteron, gây xơ vữa động mạch, động mạch hẹp gây ra biến chứng nhồi máu cơ tim…

Ở người trẻ còn ảnh hưởng đến đời sống tình dục. Tỉ lệ rối loạn cương dương ở người trẻ THA cao gấp 2,5 lần so với người bình thường. Họ thường có biểu hiện hiện rối loạn cảm xúc khó kiểm soát như dễ nóng giận, mất kiểm soát bản thân, dễ mất tập trung làm ảnh hưởng cuộc sống, công việc…” – GS Lợi cảnh báo.

Bỏ thuốc giữa chừng, bệnh tăng trở lại

GS.TS Lợi cho rằng, THA là bệnh lý rất dễ phát hiện, chỉ cần huyết áp sẽ biết. Tuy nhiên, việc điều trị lại lâu dài, có khi suốt đời. Người bị bệnh cần tuân thủ uống thuốc đều đặn. Không ít người thấy huyết áp xuống sau một thời gian uống liền bỏ không uống hoặc uống thuốc không đều sẽ không có tác dụng. Huyết áp sẽ tăng trở lại khi ngừng thuốc.

Thường một người bị THA hay kèm theo nhiều bệnh khác như: rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, béo phì, suy thận, bệnh mạch vành, bệnh mạch não… Khi điều trị phải phối hợp nhiều loại thuốc. Vì vậy, phải điều trị tăng huyết áp đạt huyết áp mục tiêu cộng với điều trị khống chế tất cả các yếu tố nguy cơ khác.

Để phòng ngừa bệnh tăng huyết áp ở người trẻ tuổi, cần khám sức khỏe định kỳ, lưu ý về thông số huyết áp của mình kết hợp với chế độ ăn uống, sinh hoạt, thể dục điều độ.

Theo điều tra mới nhất của Hội tim mạch học Việt Nam, năm 2016, khoảng 48% người Việt Nam sẽ mắc bệnh tăng huyết áp. Đáng lo ngại, nhiều người mắc bệnh tăng huyết áp không biết mình mắc bệnh. Trong khi đó, THA là nguyên nhân khiến 7 triệu người trên thế giới tử vong mỗi năm. Thông tin này được đưa ra tại Hội nghị Tăng huyết áp Việt Nam lần thứ II do Hội tim mạch học Việt Nam và Phân hội Tăng huyết áp Việt Nam tổ chức.

Hà Linh

Theo Đời sống
back to top