Trẻ 1 tuổi bị uốn ván từ viêm tai giữa

(khoahocdoisong.vn) - Một bé trai 1 tuổi hiện đang được điều trị tại Khoa Cấp cứu - Hồi sức Tích cực - Chống độc Trẻ em, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM vì uốn ván từ bệnh viêm tai giữa.

BS Trần Kim Hùng, bác sĩ điều trị cho biết, bệnh nhi khoảng 1 tuổi, sau sinh đến nay chưa được chích ngừa uốn ván. Trẻ đến Bệnh viện khám vì 2 tai có nhiều dịch mủ. Lúc nhập viện, trẻ bị co cứng cơ, khó thở. Bệnh nhi được chẩn đoán bị viêm tai giữa, từ chỗ viêm này gây ra bệnh uốn ván. Nếu bệnh nhi không được chữa trị kịp thời, rất dễ đưa đến co cứng cơ hô hấp, ngạt thở, gây tử vong.

Bệnh nhi được cho thở máy và dùng thuốc giảm co giật. Đến nay, bệnh nhi đã điều trị được hơn 20 ngày, bệnh đang dần tiến triển tốt, chuẩn bị được rút ống thở.

Bệnh nhi một tuổi bị uốn ván do viêm tai giữa được điều trị tại Khoa Cấp cứu - Hồi sức Tích cực - Chống độc Trẻ em, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM.

Bệnh nhi một tuổi bị uốn ván do viêm tai giữa được điều trị tại Khoa Cấp cứu - Hồi sức Tích cực - Chống độc Trẻ em, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM.

Theo các chuyên gia, uốn ván là bệnh rất nguy hiểm gặp ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, lứa tuổi trẻ em và người già thường có tỷ lệ tử vong cao. ở trẻ em. Nguồn gây bệnh ở khắp nơi, trong khi trẻ em lại rất hiếu động, thích chạy nhảy. Các bào tử của vi khuẩn uốn ván ở khắp nơi trong môi trường, như đất, cát, phân người, phân gia súc... Khi chúng xâm nhập vào cơ thể có thể gây tổn thương thần kinh. Các cơ bắp được điều khiển bởi những dây thần kinh này sẽ bị cứng lại và tê liệt.

BS Trần Kim Hùng cho biết thêm, người có thể bị nhiễm uốn ván khi vết thương hoặc vết cắt bị nhiễm bẩn, vào những tình huống rất đơn giản, khó ngờ, như trầy đầu gối, gai đâm, viêm tai giữa, sâu răng… Tác nhân gây bệnh thường phát triển trong vết thương sâu do đinh, dao, mảnh vụn của gỗ bẩn, động vật cắn hoặc liên quan đến bệnh lý nội khoa như vết thương viêm tai giữa, chảy mủ tai, chàm da mạn tính, sâu răng, vết thương/vết loét lâu lành.

Trẻ con vốn hiếu động, thích khám phá, nên rất dễ gặp phải những vết thương ngoài da. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, các phụ huynh đừng quên cho trẻ tiêm văcxin uốn ván đủ 5 mũi và đúng thời điểm để bảo vệ trẻ một cách tốt nhất: Tiêm khi trẻ được 2, 3 và 4 tháng tuổi đối với trẻ dưới 1 tuổi; khi trẻ 15 - 20 tháng tuổi sẽ được tiêm nhắc lại 1 mũi và sau 5 - 10 năm tiêm nhắc lại lần 2.

Theo Đời sống
back to top