Mới đây, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 tiếp nhận nam bệnh nhân Đỗ Xuân C., 62 tuổi, bị gút mạn tính 20 năm. 2 tuần trước khi vào viện, nhiều hạt tophi ở hai bàn chân của bệnh nhân bị vỡ khi đi bừa ruộng. Nghĩ vết thương không nghiêm trọng, anh C. ở nhà không điều trị gì. Bệnh nhân được đưa vào Khoa Cấp cứu sau một tuần trong tình trạng cứng hàm, đau vùng cơ căn hai bên, nói khó, nuốt khó tăng dần, thỉnh thoảng có cơn co giật căng cứng lưng, vã mồ hôi, sốt cao liên tục 38 - 39 độ C. Sau khi được khám và chẩn đoán uốn ván, bệnh nhân được chuyển vào điều trị tại Khoa Hồi sức truyền nhiễm. Hiện tại, bệnh nhân đã ổn định, ra viện.
Lời bàn: BS Lê Khánh Ninh, Khoa Cấp cứu cho biết, uốn ván là bệnh nguy hiểm, nguy cơ tử vong rất cao. Đây là một bệnh nhiễm trùng cấp tính do ngoại độc tố của trực khuẩn uốn ván Clostridium tetani phát triển tại vết thương gây ra. Thông thường trực khuẩn uốn ván xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương bị nhiễm đất bẩn, bụi đường, phân người hoặc súc vật, qua các vết thương… Trẻ em sơ sinh cũng có nguy cơ mắc bệnh, gọi là uốn ván sơ sinh.
Uốn ván được biểu hiện là những cơn co cứng cơ kèm theo đau, trước tiên là các cơ nhai, cơ mặt, cơ gáy và sau đó là cơ thân mình như ngực, cổ, lưng, bụng và mông. Co các cơ thắt lưng tạo ra tư thế uốn cong lưng đặc trưng. Việc co cơ mạnh, đột ngột, kéo dài gây đau cơ, có thể rách cả cơ và gãy xương. Các triệu chứng khác bao gồm sốt, nhức đầu, bồn chồn, khó chịu, bí tiểu, nóng rát khi đi tiểu và đại tiện mất kiểm soát. Để tránh bị uốn ván, sau khi vết thương tiếp xúc với chất bẩn nên đến các cơ sở y tế để tiêm phòng uốn ván kịp thời. Các thủ thuật, phẫu thuật phải được tiến hành ở các cơ sở đủ điều kiện vô trùng.