Sạc đệm sưởi, cháy cả phòng
Chiếc đệm sưởi chập điện, bốc cháy đã thiêu rụi nhiều đồ đạc của một gia đình ở Hào Nam, Hà Nội hôm 12/12. Nguyên nhân vụ cháy bắt nguồn từ một chiếc đệm điện cũ để trên tầng 4. Do trời lạnh, gia đình đem chiếc đệm sưởi cũ ra cắm sạc cả đêm để giữ ấm cho chú chó cưng. Đến đêm, đệm chập điện bốc cháy, bén vào sofa gỗ bên dưới rồi lan ra", cán bộ này cho hay. Không ai bị thương, nhưng một số đồ đạc hư hỏng như điều hòa, bàn ghế, TV… Những trường hợp để xảy ra chập, cháy vì quạt sưởi không phải là hiếm.
Chia sẻ với KH&ĐS về một lần suýt chết vì quạt sưởi, bà Lê Thị Dịu (Cù Chính Lan, Hà Nội) vẫn không hết bàng hoàng. Bà kể, hôm đó do trời lạnh quá, bà bật quạt sưởi và để ngay cạnh giường để nằm xem tivi. Nằm một lúc ấm, bà thiếp ngủ đi. Mãi đến đêm tỉnh dậy thì chiếc chăn đắp đã rơi xuống đất, đang bén vào quạt sưởi. Chỉ thiếu một chút nữa là gây ra hỏa hoạn, thậm chí lấy đi cả tính mạng.
TS Trần Văn Thịnh, nguyên trưởng bộ môn Điện, ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết, khoảng cách an toàn để sử dụng máy sưởi là cách giường hoặc cách người 1,5-2m. Máy sưởi tỏa nhiệt rất mạnh, nếu cho trẻ nằm hoặc đứng quá gần, luồng gió nóng sẽ làm bong tróc da, cảm giác sẽ rất khó chịu. Đã từng có trường hợp xảy ra hỏa hoạn do để quạt sưởi trong màn. Do đó nhất thiết không được để quạt sưởi ở gần giường, chăn màn. Nên đặc biệt lưu ý khi nhà có trẻ nhỏ bởi trẻ rất dễ bị bỏng nếu ở gần, chạm vào quạt sưởi.
Nhiệt độ tốt nhất là chỉ chênh lệch so với nhiệt độ ngoài trời từ 5-10 độ C. Theo đó thì nhiệt độ tối ưu nhất vào mùa đông dao động xung quanh ngưỡng 25 độ C. Trong khi bật máy sưởi, nên để hé cửa phòng để không khí được lưu thông, giảm được tình trạng mắc các bệnh về đường hô hấp.
Vệ sinh thiết bị để tiết kiệm điện, phòng chập cháy
Theo TS Trần Văn Thịnh, các thiết bị sưởi ấm đặc biệt rất dễ bám bụi bẩn. Trước khi sử dụng, phải vệ sinh sạch sẽ bởi nếu không, bụi bẩn này sẽ làm các chi tiết bên trong quạt dễ bị chập. Cộng với không khí ẩm thấp của mùa đông lại càng dễ gây chập cháy. Rất nhiều người có thói quen không vệ sinh máy sưởi. Do được đặt trong các phòng kín nên nhiều khi, máy sưởi chính là nơi trú ngụ tích tụ của vi trùng, vi khuẩn rồi sau đó phát tán vào không khí. Vào đầu mua, khi lấy máy sưởi ra sử dụng, cần phải kiểm tra các chi tiết an toàn, xem có bị gỉ sét, dây mai so đốt nóng có vấn đề gì không, lau chùi sạch sẽ rồi mới dùng.
GS.TS Nguyễn Đức Lợi, Viện Khoa học và Công nghệ Nhiệt lạnh cho biết, việc vệ sinh, bảo dưỡng thiết bị có vai trò rất lớn trong tiết kiệm điện. Sử dụng đúng cách, không quá lạm dụng máy sưởi vừa bảo đảm sức khỏe, vừa phòng tránh rủi ro. Theo đó, cách sử dụng thiết bị quyết định việc có tiết kiệm điện nhay không. Hiệu suất năng lượng hay hệ số nhiệt của của máy điều hòa sưởi là 4 còn của các đèn, máy, chăn, đệm sưởi chỉ là 1. Nhưng ở những trường hợp ứng dụng cụ thể, các thiết bị có ưu nhược điểm khác nhau.
Nên sử dụng thiết bị sưởi nào vừa an toàn, vừa tiết kiệm? Theo GS.TS Nguyễn Đức Lợi, ưu điểm khác của đèn, quạt sưởi là truyền nhiệt chủ yếu bằng bức xạ nên có tác dụng trực tiếp đến thân thể người trong khi điều hòa nóng truyền nhiệt chủ yếu bằng đối lưu. Khi bật điều hòa nóng phải 15 đến 20 phút sau mới cảm nhận được nhiệt sưởi trong khi bật đèn sưởi thì ta có thể cảm nhận được tức thời. Đối với đệm điện, chăn điện thì truyền nhiệt chủ yếu bằng tiếp xúc và có tác động cũng gần như tức thời lên cơ thể nên có thể nói là hiệu quả hơn.
Theo các chuyên gia, khi nhiệt độ phòng đã đủ ấm thì tắt quạt sưởi. Tuyệt đối không cắm điện cả đêm các thiết bị sưởi như quạt sưởi, đệm sưởi, túi sưởi…