Không khí nóng luôn ở trên
Việc sử dụng nhiều thiết bị sưởi cùng lúc sẽ làm không khí được đốt nóng nhanh hơn, cảm giác ấm đến gần như ngay tức thì, nhưng không phải cứ bật hết công suất để sưởi ấm là tốt. GS.TS Nguyễn Đức Lợi, Viện KH&CN Nhiệt lạnh cho rằng, dùng kết hợp các thiết bị sưởi sẽ tiết kiệm điện hơn. Do nguyên lý sử dụng nhiệt của máy điều hòa nóng có hệ số nhiệt khoảng 4 có nghĩa là khi tiêu tốn 1kW điên ta có thể thu được tới 4 kW nhiệt để sưởi.
Tuy nhiên nhược điểm của nó là phải làm nóng không khí của cả phòng. Trong khi đó, không khí nóng lại có xu hướng tích tụ trên trần nhà, khó sưởi được người ở phía dưới sàn nhà nên khá nhiều nhiệt sưởi của điều hòa trở nên vô ích. Đây là nhược điểm của sử dụng điều hòa làm nóng mà không một dòng máy nào có thể khắc phục được. Nhiều người sử dụng mẹo, vậy thì kết hợp với các thiết bị sưởi khác.
Vậy là để vừa làm ấm bền vững, vừa tạo ra cảm giác ấm áp tức thì, người ta dùng kết hợp chăn, đệm, đèn, quạt sưởi… Điều này không làm cho điện năng hao phí nhiều hơn, mà thậm chí còn tiết kiệm điện.
Lý do là chăn, đệm, đèn, quạt sưởi chỉ có hệ số nhiệt bằng 1, chỉ bằng 1/4 của điều hòa nhưng chúng lại có ưu điểm là tác động trực tiếp đến người sử dụng. Bởi thế, sau khi bật điều hòa ấm, đồng thời sử dụng các thiết bị sưởi này, nhiệt lượng sẽ được phân bổ, chia đều. Khi đã đủ ấm, hoặc vào ban đêm, chỉ cần tắt điều hòa và sử dụng đệm điện và chăn điện chắc chắn sẽ tiết kiệm điện hơn rất nhiều việc cứ bật điều hòa sưởi ấm cả đêm.
Ngoài ra, đối với điều hòa cần lưu ý hướng luồng gió nóng xuống phía dưới vì hơi nóng có xu hướng tích tụ phía trên trần nhà. Nhiều người không hiểu nguyên lý này nên nhiều khi điều chỉnh đến 30 độ C mà phòng vẫn không đủ ấm và đổ lỗi cho điều hòa có vấn đề.
Điều chỉnh nhiệt độ để tiết kiệm điện
Vậy khi dùng các thiết bị sưởi ấm như bếp sưởi, điều hòa nóng, quạt sưởi... nên dùng thế nào để tiết kiệm điện? Theo GS.TS Nguyễn Đức Lợi, tùy theo nhu cầu cụ thể để điều chỉnh nhiệt độ trong phòng. Đối với người già, người bệnh, trẻ em cần có nhiệt độ và độ ẩm phù hợp ví dụ 22 độ C đến 23 độ C. Đối với thanh niên và người trưởng thành có thể chỉ cần 20 độ C, đôi khi 18 độ C. Để tiết kiệm điện cũng cần mặc đủ ấm nằm đệm, đắp chăn dầy. Phòng cần được cách nhiệt tốt, các cửa ra vào, cửa sổ phải kín khí tuy nhiên phải đảm bảo thông gió đủ dưỡng khí trong phòng, đảm bảo sức khỏe.
TS Trần Văn Thịnh, nguyên trưởng bộ môn Điện, ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết, Nhiều gia đình có xu hướng bật máy sưởi, quạt sưởi hoặc điều hòa 2 chiều liên tục 24/24 và từ ngày ngày qua ngày khác. Điều này cực kỳ nguy hiểm. Bởi các thiết bị sưởi được cấu tạo bằng các dây đốt nóng, nếu cắm điện quá lâu sẽ rất dễ gây cháy, chập điện. Tốt nhất là chỉ bật máy sưởi khi nào cần thiết phải sưởi ấm. Khi nhiệt độ trong phòng đã đủ ấm thì nên tắt đi. Khoảng thời gian bật quạt sưởi hợp lý là dưới 4 tiếng/ngày. Đối với đèn sưởi trong nhà tắm, mặc dù nhiệt lượng tỏa ra bao gồm nhiều tia hồng ngoại, không tạo ra bức xạ nhiệt quá cao, cũng không nên sử dụng quá thường xuyên.
“Các loại thiết bị sưởi nói chung tiêu tốn rất nhiều điện năng. Việc sử dụng đúng cách vừa tiết kiệm điện, vừa bảo vệ sức khỏe. Khi bật quạt sưởi mà đã cho cảm giác đủ ấm thì nên tắt đi, kể cả khi nhà có trẻ nhỏ”, TS Trần Văn Thịnh cho biết.
Các chuyên gia cho rằng, nên có thiết bị đo nhiệt trong phòng để có thể xác định chính xác mức nhiệt độ phù hợp, từ đó sử dụng các dụng cụ sưởi ấm một cách đúng đắn