Tránh tử vong do bệnh tim mạch hậu Covid-19

Nhiều người khỏe mạnh nguy kịch vì bệnh tim mạch hậu Covid-19. Nhiễm Covid-19 làm tăng 63% nguy cơ đau tim, 52% nguy cơ đột quỵ và 72% nguy cơ suy tim trong khoảng thời gian 12 tháng so với những người không mắc bệnh. Nhận biết và điều trị sớm các vấn đề tim mạch hậu Covid-19 để tránh những biến chứng nguy hiểm tính mạng.

Suýt tử vong vì những biến chứng tim mạch không ngờ

Bệnh viện Tim mạch Hà Nội vừa cứu sống bé gái 12 tuổi biến chứng viêm cơ tim sau mắc Covid-19 chuyển nặng. Người nhà cho biết, tiền sử bé khỏe mạnh, không bệnh nền, sau khi khỏi Covid-19 trẻ khó thở, ho liên tục ra máu, SpO2 80% được chuyển cấp cứu tới Bệnh viện Tim Hà Nội.

Một ngày sau, tình trạng bé nguy kịch, ngưng tim ngưng thở, phải cấp cứu ngưng tuần hoàn và sốc điện song không cải thiện, chức năng tim co bóp kém. Bác sĩ chỉ định đặt máy ECMO (hệ thống tuần hoàn tim phổi ngoài cơ thể) để cứu bệnh nhân. Ba ngày sau khi đặt ECMO, tình trạng của bé tốt dần lên. Ngày thứ 4, bệnh nhi được rút nội khí quản và cai máy ECMO.

BS Lê Trọng Tú, Khoa Hồi sức Nhi, Bệnh viện Tim Hà Nội đánh giá, đây là ca bệnh khó, người bệnh gặp biến chứng viêm cơ tim do Covid-19 dẫn đến rối loạn nhịp tim không đáp ứng điều trị thuốc, sốc tim, phải can thiệp ECMO để giữ mạng sống.

tim-mach-hau-cv.jpg
Các bác sĩ bệnh viện hữu Nghị thăm khám cho bệnh nhân hậu COVID-19

Theo một nghiên cứu của Đức, chụp MRI tim được thực hiện trên 100 người đã nhiễm Covid-19 phát hiện bất thường ở 78 bệnh nhân. Đó là những bằng chứng về sẹo và viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim. Tuy vậy, nghiên cứu này bị hạn chế do thiếu nhóm so sánh thích hợp. Đồng thời, theo các nghiên cứu khác sau đó thì tỷ lệ viêm cơ tim thấp hơn nhiều.

Bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội đã cấp cứu cho nhiều bệnh nhân hậu Covid-19 bị vấn đề tim mạch. Cụ ông Nguyễn V.T. (81 tuổi ở Hà Nội) sau khỏi Covid-19 hai tuần vào cấp cứu vì đau bụng hạ sườn trái. Kết quả chụp cắt lớp vi tính ổ bụng phát hiện bị nhồi máu lách do cục máu đông hậu Covid-19.

Tương tự, cụ bà Phạm H.H. (72 tuổi ở Hà Nội) tròn một tháng khỏi Covid-19, đau nhức chân phải, khó cử động, cẳng chân lạnh, tím tái. Kết quả siêu âm, chụp cắt lớp vi tính mạch máu phát hiện động mạch chậu đùi phải của người bệnh tắc hoàn toàn do cục máu đông lớn mới hình thành.

Đó chỉ là 2 trong rất nhiều trường hợp bị biến chứng tim mạch sau hậu Covid-19 phải nhập viện cấp cứu. Trường hợp điều trị không kịp thời bệnh nhân rất dễ tử vong.

tim-mach-hau-cv-3.jpeg
Cục máu đông hình thành sau Covid-19.

Cục máu đông hình thành ở khắp nơi

Các nghiên cứu mới đăng trên Tạp chí Y khoa BMJ cho biết, người mắc Covid-19 có nguy cơ phát triển các cục máu đông nghiêm trọng lên đến 6 tháng sau, ngay cả nhiễm bệnh nhẹ. Các nhà nghiên cứu đã so sánh dữ liệu từ hơn 1 triệu người nhiễm Covid-19 từ cơ quan đăng ký quốc gia Thụy Điển, từ tháng 2/2020 - 5/2021, với hơn 4 triệu người không nhiễm Covid-19.

Kết quả cho thấy, người nhiễm Covid-19 có nguy cơ thuyên tắc phổi cao gấp 33 lần và nguy cơ bị huyết khối tĩnh mạch sâu cao gấp 5 lần, so với người không nhiễm Covid-19. Thời gian nguy cơ cao bị thuyên tắc phổi lên đến 6 tháng và tăng huyết khối tĩnh mạch sâu - tình trạng cục máu đông ở chân là 3 tháng.

Triệu chứng báo hiệu vấn đề tim mạch hậu Covid-19

Mệt mỏi là triệu chứng thường gặp nhất. Ngoài ra, người hồi phục sau mắc Covid-19 có thể biểu hiện khó thở, đau ngực, hồi hộp trống ngực. Tuy nhiên, các triệu chứng này không đặc hiệu, có thể liên quan đến rối loạn tim mạch nhưng cũng có thể do các yếu tố khác như hạn chế vận động trong thời gian mắc Covid-19.

Sau khi nhiễm Covid-19, có thể thấy tim đập nhanh hoặc đánh trống ngực. Triệu chứng của nhịp tim nhanh hoặc không đều có thể bao gồm: Cảm thấy tim đập nhanh, đánh trống ngực, khó chịu ở ngực. Cảm thấy lâng lâng hoặc chóng mặt, đặc biệt là khi đứng.

Những người đang hồi phục sau mắc Covid-19 đôi khi xuất hiện các triệu chứng POTS (hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng). Cụ thể, người bệnh có thể xuất hiện tình trạng nhịp tim nhanh khi đứng lên, có thể dẫn đến sương mù não, mệt mỏi, đánh trống ngực, choáng váng và các triệu chứng khác.

TS.BS Bùi Long, Trưởng khoa tim mạch, Bệnh viện Hữu nghị cho biết, cục máu đông (huyết khối) có thể hình thành ở bất cứ mạch máu nào trong cơ thể gây tắc mạch. Triệu chứng biểu hiện sẽ liên quan đến cơ quan đích của mạch máu bị tổn thương.

Huyết khối hậu Covid-19 sẽ rất nguy hiểm nếu các mạch máu bị tắc là mạch máu não, mạch vành tim, mạch phổi, các mạch tạng quan trọng như mạch thận. Tắc mạch máu não sẽ gây tàn phế, tắc mạch vành tim gây nhồi máu cơ tim dẫn tới suy tim, đột tử. Tắc động mạch phổi cấp có thể gây suy hô hấp cấp hoặc tử vong. Tắc động mạch thận có thể gây suy thận cấp. Tắc động mạch chi dưới có thể gây hoại tử phải cắt cụt chi...

tim-mach-hau-cv-1.jpg
Phát hiện sớm ránh tử vong do bệnh tim mạch hậu Covid-19.

Nhiều vấn đề tim mạch hậu Covid-19 nên biết

ThS.BS Nguyễn Dũng, Khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cho biết, hội chứng hậu Covid-19 có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch ngay cả khi bị bệnh nhẹ, ở những người trẻ tuổi, không có các yếu tố nguy cơ khác.

Các nghiên cứu mới đây cho biết, ngay cả khi hồi phục sau Covid-19 với diễn biến nhẹ, người bệnh vẫn có thể đối mặt với nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn đáng kể cho đến một năm sau khi nhiễm bệnh, bao gồm: Rối loạn mạch máu não, rối loạn nhịp tim, viêm cơ tim, bệnh tim thiếu máu cục bộ, huyết khối và các rối loạn chức năng tim khác.

Cụ thể, nhiễm Covid-19 làm tăng 63% nguy cơ đau tim, 52% nguy cơ đột quỵ và 72% nguy cơ suy tim trong khoảng thời gian 12 tháng so với những người không mắc bệnh. Đồng thời, làm phức tạp thêm quá trình hồi phục của họ.

Nguyên nhân mắc tim mạch sau Covid-19 là do: Các tế bào trong tim có các thụ thể men chuyển angiotensin-2 (ACE-2), đây là nơi Coronavirus SARS-CoV-2 gắn vào trước khi xâm nhập vào tế bào. Do vậy, nó có thể làm tổn thương cơ tim và ảnh hưởng đến chức năng tim.

Nhiễm Covid-19 cũng ảnh hưởng đến nội mạc mạch máu, gây viêm mạch máu, tổn thương các vi mạch và hình thành cục máu đông, có thể làm giảm lưu lượng máu đến tim hoặc các bộ phận khác của cơ thể.

tim-mach-hau-covid-19.jpg

Ngoài ra tổn thương tim cũng có thể do tình trạng nhiễm trùng nặng trong cơ thể. Khi hệ thống miễn dịch của cơ thể đáp ứng chống lại virus, có thể phát sinh quá trình viêm làm phá hủy một số mô, tổ chức bình thường, bao gồm cả tim.

BSNT Nguyễn Đình Việt, Phó trưởng Đơn vị Nội tim mạch và Cấp cứu tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ cảnh báo, tình trạng suy tim sau nhiễm Covid-19 ít được báo cáo, nhưng những trường hợp này có thể gặp do có viêm cơ tim hay nhồi máu cơ tim khi nhiễm virus. Ở trẻ em cần chú ý gây tổn thương tim nghiêm trọng, sốc tim hoặc tử vong trong hội chứng viêm đa hệ ở trẻ em nhiễm Covid-19.

Những trường hợp tim mạch hậu Covid-19 cần khám ngay:

- Đau ngực dữ dội kèm theo buồn nôn, khó thở, choáng váng hoặc đổ mồ hôi.

- Đau ngực đột ngột, khó thở kéo dài hơn năm phút, hoặc đau ngực dai dẳng, không dữ dội.

- Độ bão hòa oxy dưới 92%.

- Môi hoặc mặt tím xanh.

- Cơn khó thở khởi phát đột ngột.

- Đau ngực khi gắng sức, thuyên giảm khi nghỉ ngơi.

- Khó thở tăng lên khi nằm hoặc khi gắng sức.

- Khó thở kèm theo mệt mỏi hoặc sưng mắt cá chân.

Theo Đời sống
Day huyệt hạ huyết áp

Day huyệt hạ huyết áp

Để chữa cao huyết áp, ngoài việc dùng thuốc, thay đổi lối sống, y học cổ truyền có một phương pháp rất độc đáo mà ít người biết đến đó là việc tự xoa bóp huyệt vị.
back to top