Tránh ngộ độc từ nấm linh chi mốc

(khoahocdoisong.vn) - Uống nấm linh chi trong 3 tháng liên tục, nam bệnh nhân mắc viêm gan B, suy thận mạn giai đoạn 3, da càng vàng, bệnh ngày càng nặng, suy gan cấp, phải lọc máu, hôn mê, nguy cơ tử vong cao.

Chuyên gia về nấm cho hay, một trong những nguyên nhân có thể gây độc ở nấm chính là bị nấm mốc.

Nấm linh chi mốc gây độc

Vừa qua, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân 61 tuổi bị suy gan cấp theo dõi nhiễm độc thuốc nam trên nền viêm gan B, suy thận mãn tính.

Qua khai thác bệnh sử và người nhà, bệnh nhân bị viêm gan B và suy thận mạn giai đoạn III. Bệnh nhân uống nấm linh chi khoảng 3 tháng nay. Trong một tháng gần đây, da bệnh nhân ngày càng vàng, đã được điều trị tại bệnh viện tuyến trước không đỡ. Sau đó bệnh nặng hơn, gia đình chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện 108điều trị trong tình trạng suy thận độ IV, suy gan nặng, được lọc máu cấp cứu hai lần…

Khoa Cấp cứu, Bệnh viện 108 cho biết, đơn vị từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân dùng các thuốc nam điều trị bệnh mạn tính như viêm gan, xơ gan cũng như được dùng các thuốc bổ như linh chi không rõ nguồn gốc gây tình trạng nhiễm độc suy gan, suy thận nặng.

Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia đầu ngành về nấm, TS Ngô Xuân Nghiễn, Phụ trách Trung tâm đào tạo, nghiên cứu phát triển nấm ăn và nấm dược liệu - Khoa Công nghệ Sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho hay, khi uống nấm linh chi, nếu đúng chủng loại (Ganoderma lucidum), đảm bảo chất lượng chỉ có tốt cho cơ thể.

Có nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới đã định danh được các hoạt chất và xác định tác dụng dược lý của nấm linh chi như: Germanium, acid ganoderic, ganodosteron, ganoderans, adenosin, beta-D-glucan, polysaccharit… Bằng các kết quả lâm sàng khoa học đã chứng minh, dùng nấm linh chi có tác dụng giải độc gan, dọn các gốc tự do trong cơ thể; tế bào hấp thụ oxy tốt hơn, làm tăng sự miễn dịch trong cơ thể, chống dị ứng, chống viêm…

Cần phải xem xét bệnh nhân chỉ uống nấm linh chi hay còn uống những thứ gì khác? Nếu uống nấm linh chi bị nhiễm độc, cần xem xét lại chính sản phẩm nấm này. Như, đấy là nấm linh chi chủng loại gì, có thực sự là nấm linh chi hay không. Quan trọng không kém là nấm có đảm bảo chất lượng hay đã mốc.

“Nhiều khi sử dụng nấm nhưng do kiểm soát bảo quản không tốt dẫn đến nấm bị mốc. Lúc này, nấm sẽ có những chất độc gây bất lợi cho sức khỏe”, TS Ngô Xuân Nghiễn nói.

Cách phát hiện nấm linh chi bị mốc

Vị chuyên gia cũng cho hay, khi thấy nấm có hiện tượng nhiễm mốc phải loại bỏ, không được sử dụng dưới hình thức nào. Có thể phát hiện mốc dưới mũ quả thể của nấm.

Về nguyên tắc, mặt dưới của nấm linh chi đỏ (Ganoderma lucidum), có màu trắng hoặc trắng vàng. Một số trường hợp người bán phát hiện ra nấm mốc đã dùng cồn lau. Lúc này, mặt dưới nấm sẽ bị mất màu, chuyển từ màu trắng/ trắng vàng sang màu thâm đen. Nên khi thấy mặt dưới mũ quả thể có màu này có thể nghi ngờ nấm đã bị nhiễm mốc, không mua hoặc dùng.

“Lau cồn có thể diệt được nấm mốc nhưng các chất trong nấm mốc vẫn thẩm thấu vào mặt dưới mũ quả thể mà chúng ta không xử lý được hết”, TS Ngô Xuân Nghiễn phân tích.

Liên quan đến việc phơi sấy để chống nấm mốc, vị chuyên gia cũng cho hay: Nếu có nắng tốt, có thể phơi nấm2-3 nắng, sau đó sấy ở nhiệt độ thấp ở khoảng 42-48 độ C. Nấm sẽ dần giảm độ ẩm về ngưỡng dưới 12%, đạt độ ẩm bảo quản. Mang nấm linh chi khô, bảo quản trong túi chống ẩm hay hút chân không. Nếu bảo quản tốt bằng cách này có thể dùng trong vòng một năm.

Để dùng nấm linh chi tốt cần đảm bảo 4 yếu tố: Đúng chủng loại, thu hái đúng độ tuổi, phơi sấy đúng quy trình, bảo quản đúng cách. Riêng thu hái đúng tuổi là khi quả thể phát triển đạt mức trưởng thành. Viền ngoài mũ quả thể chuyển từ màu trắng sang màu đỏ hoặc nâu đỏ. Bắt đầu thời điểm này nấm phát tán bào tử, cũng là thời điểm thu hái tốt nhất. Các nhóm hoạt chất nằm trong bào tử rất nhiều. Nếu nấm già, các bào tử phát tán ngoài không khí hết. Còn non thì một số nhóm hoạt chất chưa được tích lũy tối ưu trong quả thể nấm.

Theo Đời sống
back to top