Tránh “bom” trong nhà bếp

Bom” trong nhà bếp có thể đến từ các thiết bị sử dụng điện như tủ lạnh, lò vi sóng… khi chúng ta sử dụng chúng không đúng cách.

Bom” trong nhà bếp có thể đến từ các thiết bị sử dụng điện như tủ lạnh, lò vi sóng…

Những tư vấn của KS Trương Văn Hùng, Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật Hùng Lâm, Đống Đa, Hà Nội dưới đây sẽ giúp bạn biết cách tránh những quả bom từ thiết bị điện trong nhà bếp.

Tủ lạnh

Tủ lạnh là một thiết bị không thể thiếu trong các gia đình. Thế nhưng, sản phẩm phổ thông này đã không ít lần phát nổ, gây nguy hiểm cho người sử dụng. Rất nhiều nguyên nhân gây ra các sự cố do sử dụng tủ lạnh cũ, rò rỉ gas tủ lạnh…

Để tránh “bom” trong nhà bếp đến từ tủ lạnh, tuyệt đối không tự ý thay/bơm gas dù bạn là người có “chút” kiến thức, kinh nghiệm. Nếu tủ gặp sự cố hoặc phải thay gas tốt nhất nên gọi bảo hành chính hãng. Không sử dụng tủ lạnh đã quá cũ, sửa chữa, thay gas nhiều lần.

Trong sử dụng nên chú ý đặt tủ lạnh xa các vùng có nhiệt độ cao, có khoảng cách với tường từ 10 – 15cm. Không để các lon đồ uống có ga trong ngăn đá vì chúng rất dễ làm tủ phát nổ. Đặc biệt, nếu bạn nhận thấy những dấu hiệu: Thành tủ lạnh nóng rát, nghe thấy tiếng động lạ phát ra từ máy nén, tủ hoạt động trong thời gian dài mà không tự ngắt… thì cần ngắt nguồn điện của tủ ngay lập tức.

Lò nướng

Lò nướng đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nhà bếp hiện đại, hỗ trợ chị em với việc chế biến các món nướng nhanh chóng, tiện lợi, ngon và bổ dưỡng. Sản phẩm lò nướng thông dụng nhất hiện nay là loại lò dùng thanh đốt, có cửa bằng thủy tinh chịu nhiệt.

Sản phẩm lò nướng kiểu này có nhược điểm là vỏ lò bằng kim loại mỏng nên nhiệt độ thoát ra ở bề mặt phần bên ngoài lò nướng cao, có thể gây bỏng khi tiếp xúc. Nếu sử dụng lò nướng ở công suất lớn có thể dẫn đến chập điện do quá nóng, nguy cơ cháy nổ không thể lường trước.

Hơn nữa, khi nhiệt độ cao vượt quá ngưỡng của cửa kính cách nhiệt cũng có thể gây nổ vỡ kính rất nguy hiểm. Vì vậy, lò nướng cần được đặt cách xa các nguồn nhiệt khác, không để lò hoạt động công suất tối đa trong thời gian dài, khi phát hiện nhiệt độ bên ngoài cao bất thường cần ngắt ngay nguồn điện cho ngừng hoạt động.

Thường xuyên chú ý vệ sinh lò sạch sẽ, không để dầu mỡ, vụn thức ăn cũ bám trong thành lò gặp nhiệt độ cao sẽ dễ bắt cháy.

Lò vi sóng

Đây là sản phẩm sử dụng khá đơn giản nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao trở thành “bom” trong nhà bếp. Không ít trường hợp đang hâm nóng thức ăn bằng lò vi sóng, bỗng dưng thấy lò phát nổ, mà nguyên nhân chỉ vì đĩa đựng bằng kim loại hoặc khi múc thực phẩm lại “tiện tay” bỏ luôn cái thìa trong đó.

Để đảm bảo an toàn, không nên chung ổ cắm điện với các thiết bị khác như tủ lạnh, bếp điện… bởi lò vi sóng có công suất lớn để tránh bị quá tải, gây chập mạch, cháy nổ.

Ngoài ra, cần lưu ý, không đặt lò vi sóng quá gần bếp gas, lò nướng hay tủ lạnh, bởi khi các thiết bị hoạt động và phát sinh nhiệt ở cạnh nhau sẽ làm gia tăng nhiệt, nếu có vật dễ bắt lửa ở gần sẽ dễ gây ra cháy nổ.

Không dùng các vật đựng thực phẩm bằng chất liệu kim loại hoặc có trang trí các hoa văn, họa tiết bằng kim loại để nấu thực phẩm trong lò vi sóng vì sẽ sinh ra các tia lửa điện, gây ra cháy nổ bên trong lò. Sử dụng giấy bạc để bọc thực phẩm cho vào lò vi sóng chế biến cũng gây ra hiện tượng tương tự.

Nồi cơm điện

Nồi cơm điện là sản phẩm có cấu tạo an toàn, dễ sử dụng. Nồi được cấu tạo gồm ba phần chính: Vỏ nồi, nồi nấu và bộ phận đốt nóng, hay còn gọi là mâm nhiệt đi kèm với cảm biến nhiệt và nút điều khiển chọn chức năng. Vỏ nồi 2 lớp, ở giữa có bông thuỷ tinh cách nhiệt. Nồi nấu làm bằng hợp kim nhôm, đặt khít trong vỏ, bên trong phủ lớp men chống dính. Phần đốt nóng gồm dây điện trở đúc trong ống chịu nhiệt, cách điện với ống và đặt trong mâm dưới đáy nồi.

Tuy nhiên, đừng nghĩ rằng nồi cơm điện an toàn mà chủ quan, nồi cơm điện cũng có thể trở thành “bom” trong nhà bếp vì thực tế cũng đã có những trường hợp phát nổ khi đang sử dụng. Để đảm bảo an toàn, không dùng chung ổ cắm với các loại đồ điện có công suất cao khác trong nhà bếp.

Cần lau khô nồi nấu trước khi bật nút nấu, không để các vật ẩm ướt hay làm rơi thức ăn vào mâm nhiệt hoặc bộ phận tiếp điện, tránh để đế tiếp điện và rơle bị ướt, gây rò rỉ điện, chập mạch, dễ dẫn đến cháy nổ. Khi không sử dụng nồi nhớ phải rút dây nguồn khỏi ổ cắm nguồn…

Huy Khánh

Theo Đời sống
back to top