Làm sạch tổn thương hoại tử
Gần 30 lần mổ vẫn không trị được nhiễm khuẩn
Anh Nguyễn Quang H. 23 tuổi, viêm rò khớp háng phải sau thay khớp nhân tạo, với số lần phẫu thuật 27 lần, trong 5 năm nhưng vẫn không khỏi. Khi đến Khoa Phẫu thuật Khớp, Bệnh viện TƯQĐ 108, sau 2 tháng điều trị, với các phương pháp tháo khớp, cắt lọc, hút áp lực âm (VAC), trám xi măng kháng sinh, nhưng ổ nhiễm khuẩn ở mông và đùi anh vẫn không ổn định. Cuối cùng nhờ được trám vạt cơ vào nơi tổn thương, sau 20 ngày (kể từ khi trám vạt cơ) tình trạng viêm rò đã chấm dứt, sau 3 tháng khám lại khớp háng hết đau, ổ mổ đã liền sẹo tốt.
ThS. BSCKII Phùng Văn Tuấn, Khoa Phẫu thuật Khớp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, nhiễm khuẩn khớp háng sau thay khớp nhân tạo là một biến chứng nặng nề, được coi là “thảm họa” trong chuyên ngành Chấn thương Chỉnh hình nói chung và Phẫu thuật Khớp nói riêng.
Theo y văn thế giới, bệnh chiếm tỷ lệ 0,5%-1% số ca sau phẫu thuật thay khớp háng, nguyên nhân nhiễm khuẩn có thể do vi khuẩn xâm nhập từ ổ mổ, hoặc do vi khuẩn lưu thông trong máu (thường gây nhiễm khuẩn muộn). Có nhiều phương pháp phân loại nhiễm khuẩn khớp háng sau thay khớp, nhưng phổ biến hiện nay các tác giả phân chia ra 3 giai đoạn:
Giai đoạn I (nhiễm khuẩn cấp): giai đoạn này có thể thấy dịch mủ, dịch tiết chảy ra từ ổ mổ, quanh vết mổ đỏ, nề, bệnh nhân có thể sốt cao.
Giai đoạn II (nhiễm khuẩn sâu): bệnh nhân thấy đau tại khớp háng, trong khi vết thương đã liền tốt. Tuy nhiên, có nhiều bệnh nhân để lâu, không điều trị có thể dẫn đến viêm rò ổ mổ.
Giai đoạn III (nhiễm khuẩn muộn từ máu): sau mổ bệnh nhân không đau khớp một thời gian, sau đó bệnh nhân than phiền vì đau tại khớp háng cấp tính. Bệnh nếu không điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng tới chức năng vận động và chất lượng sống của bệnh nhân, thậm chí sẽ ảnh hưởng tới tính mạng do BN không đi lại được, nằm lâu ngày dẫn tới viêm phổi, loét điểm tỳ, viêm đường tiết niệu…
vạt cơ rộng ngoài chuẩn bị được trám vào ổ khớp
Trám vạt cơ điều trị viêm rò mạn tính sau thay khớp háng nhân tạo là bước đột phá
ThS Phùng Văn Tuấn nhấn mạnh, việc điều trị nhiễm khuẩn khớp háng sau thay khớp nhân tạo vẫn là một thử thách rất lớn đối với các phẫu thuật viên, đặc biệt với những trường hợp viêm rò mạn tính kéo dài.
Tại Khoa Phẫu thuật Khớp hằng năm có hàng chục bệnh nhân bị nhiễm khuẩn khớp háng nhân tạo sau thay khớp đến điều trị, đa số các BN đến viện trong tình trạng viêm rò mạn tính, đã được điều trị nhiều lần ở các tuyến nhưng không ổn định, trong đó có 05 bệnh nhân (BN) đều là nam, tuổi 23 đến 61, đều có đặc điểm chung về lâm sàng: viêm rò khớp háng sau thay khớp nhân tạo ở tuyến trước, đặc biệt BN 23 tuổi đã được phẫu thuật 27 lần.
Khi vào khoa Phẫu thuật Khớp, các bệnh nhân đều được phẫu thuật tháo khớp háng nhân tạo, điều trị hút áp lực âm (VAC), trám xi măng kháng sinh vào ổ khớp, tiêm kháng sinh. Tuy nhiên, cả 5 trường hợp đều không liền vết thương, dù thời gian nằm viện kéo dài đến gần 60 ngày.
Trước thực trạng như vậy, qua tham khảo, nghiên cứu tài liệu và hội chẩn, được sự đồng ý của Thủ trưởng Bệnh viện và các Viện Chấn thương Chỉnh hình, các Bs Khoa Phẫu thuật Khớp và khoa Phẫu thuật bàn tay và vi phẫu đã triển khai kỹ thuật “sử dụng vạt cơ rộng ngoài điều trị nhiễm khuẩn mạn tính khớp háng sau thay khớp nhân tạo”.
Theo đó, các BN bị viêm rò mạn tính sau khi điều trị tháo khớp, cắt lọc, đặt VAC, trám xi măng kháng sinh nhưng không thành công nên chỉ định phẫu thuật trám vạt cơ rộng ngoài. Kỹ thuật rất phức tạp, bao gồm 4 thì:
Thì 1 (dọn sạch tổ chức viêm- chuẩn bị vị trí trám cơ): Rửa sạch ổ mổ, cắt lọc mép ổ tổn thương, cắt lọc tổ chức xơ, hoại tử còn xót lại tại đầu trên xương đùi và trong ổ cối.
Thì 2 (bóc vạt): bóc vạt cơ rộng ngoài cuống liền (có mạch nuôi).
Thì 3 (trám vạt cơ): Xoay hoặc lật vạt cơ 180 độ, trám độn lấp đầy vào ổ cối, cố định vạt bằng các mối chỉ khâu quanh ổ cối và chỉ nilon xuyên qua trần ổ cối.
Thì 4 (đóng ổ mổ): Khâu thu hẹp da, để ngỏ một phần vạt cơ. Đặt dẫn lưu tại ổ cối và chỗ bóc vạt. Sau phẫu thuật trám vạt cơ, các bệnh nhân chỉ phải nằm viện thêm 15-19 ngày, với kết quả bước đầu cả 5 khớp háng đều hết viêm rò, liền sẹo tốt, ba bệnh nhân đều hài lòng với kết quả điều trị.
ổ viêm rò đã liền sẹo (sau 03 tháng)
ThS Phùng Văn Tuấn cho biết, sau phẫu thuật bóc cơ rộng ngoài, chức năng khớp gối ít bị ảnh hưởng, sức cơ gần như trước mổ, BN có thể đi lại nhẹ nhàng bằng nạng hoặc nẹp chỉnh hình. Sau khi tình trạng nhiễm khuẩn ổn định, bệnh nhân có thể được thay lại khớp háng tiếp theo, qua đó giúp phục hồi tối đa chức năng chi thể.
Tuy nhiên, kỹ thuật trám vạt cơ rộng ngoài vào khớp háng không đơn giản, đòi hỏi có chỉ định chính xác, phẫu thuật viên nắm chắc giải phẫu, có kinh nghiệm mới đem lại kết quả tốt, rút ngắn thời gian điều trị, phục hồi chức năng vận động, cải thiện chất lượng sống của Bệnh nhân.
Thúy Nga