TPHCM phát triển nông nghiệp công nghệ cao

TPHCM sẽ đẩy mạnh nông nghiệp công nghệ cao để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có năng suất, chất lượng, an toàn, giá trị gia tăng và có sức cạnh tranh cao.

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TPHCM, mục tiêu đến 2030, TPHCM nâng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa và các công nghệ tiên tiến khác... từ 75 - 85% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố.

Canh tác rau thủy canh theo hướng công nghệ cao ở Hóc Môn.
Canh tác rau thủy canh theo hướng công nghệ cao ở Hóc Môn.

Hơn 70% hộ nông dân và 80% doanh nghiệp ứng dụng các biện pháp kỹ thuật mang tính công nghệ cao về giống, quy trình canh tác, công nghệ sau thu hoạch, tự động hoá trong quá trình sản xuất chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, xử lý chất thải cũng như trong quá trình sản xuất các đối tượng sản phẩm nông nghiệp chủ lực (rau quả, hoa kiểng, heo, bò sữa, tôm và cá cảnh).

Chất lượng giống cây trồng, vật nuôi và sản phẩm nông sản công nghệ cao đảm bảo chất lượng phục vụ sản xuất và an toàn cho người tiêu dùng, góp phần nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị sản xuất đạt từ 900 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/năm vào năm 2030.

Chương trình phát triển giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2020 - 2030 được triển khai từ Quyết định số 2092/QĐ-UBND do UBND TPHCM ban hành ngày 10/6/2021.

Theo đó, UBND TPHCM giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TPHCM chủ trì, phối hợp với các sở ban ngành, UBND TP Thủ Đức, các quận, huyện tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình, khuyến khích các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư phát triển giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao gắn với thị trường tiêu thụ.

TPHCM sẽ triển khai thực hiện một số giải pháp như quy hoạch và mở rộng, nâng cấp vùng sản xuất phát triển giống và nông nghiệp công nghệ cao; nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ; phát triển hệ thống sản xuất, cung ứng và dịch vụ giống cây, con; khuyến nông, chuyển giao giống mới; phòng, trừ dịch hại cây trồng, vật nuôi, thủy sản; xây dựng chuỗi liên kết phát triển ổn định và bền vững…

Theo Đời sống
back to top