Theo Oxfam, gói cứu trợ được xây dựng dựa trên kết quả đánh giá tình hình người lao động nhập cư bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại TPHCM vào tháng 8/2021. Kết quả cho thấy nhiều lao động nhập cư phi chính thức đang phải đối mặt với vòng xoáy mưu sinh. Họ đã mất việc làm và thu nhập do giãn cách xã hội kéo dài nhưng lại chưa được hưởng hỗ trợ vì một số lý do.
Trong 3 tháng tới, hơn 700 lao động di cư gặp khó khăn và dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ, tại 7 quận bị ảnh hưởng nặng nề nhất, gồm: quận 4, 6, 9, 7,11, 12 và Bình Thạnh sẽ nhận các suất hỗ trợ tiền mặt trị giá 1,5 triệu đồng để trang trải những nhu cầu thiết yếu như thức ăn và thuốc men.
Hoạt động này do hai tổ chức đối tác của Oxfam triển khai gồm Trung tâm Khuyết tật và phát triển (DRD), Trung tâm Nghiên cứu công tác xã hội và Phát triển cộng đồng (SDRC).
Theo kế hoạch, DRD và SDRC sẽ phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể, chính quyền địa phương để hỗ trợ trao tiền cho người lao động.
Ông Joseph Mayhew, Đại biện lâm thời Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam chia sẻ: “Đây là bằng chứng cho mối quan hệ đối tác bền chặt giữa New Zealand và Việt Nam. Chính sáng kiến thiết thực này sẽ góp phần giảm bớt những tác động của Covid-19 đối với người lao động và gia đình họ. Tôi tự hào chia sẻ rằng, thông qua Quỹ Đại sứ New Zealand, chúng tôi đã hỗ trợ được hơn 3.000 phụ nữ trên khắp Việt Nam bị tác động bởi Covid-19 trong năm vừa qua”.
Ông Phạm Quang Tú, Phó Giám đốc Quốc gia Oxfam tại Việt Nam cho biết: "Chúng tôi đánh giá cao sự đoàn kết chung tay của các đại sứ quán trong việc hỗ trợ người dân trong hoàn cảnh khó khăn để không ai bị bỏ lại phía sau. Hỗ trợ nhân đạo là một chương trình quan trọng trong chiến lược quốc gia của Oxfam. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để xác định các ưu tiên hàng đầu trong việc hỗ trợ cộng đồng phục hồi sau cuộc khủng hoảng Covid-19”.