Chỉ cách ly người, không cách ly hàng hóa
Anh Mai Thanh Phú (33 tuổi, phường An Lạc, Bình Tân) cho biết, ngay cách nhà anh chừng 1km có một ổ dịch lớn nên khu nhà anh đã bị phong tỏa. Anh đã được xét nghiệm 5 lần. "Tôi không chuẩn bị gì hết. Nhà tôi vẫn ổn, nếp sống vẫn bình thường bởi vì chỉ cách ly người chứ hàng hóa hay đặt hàng, người ta vẫn giao hàng bình thường. Anh vẫn làm việc từ xa...".
Bên trong khu phong tỏa, cách ly tạm thời ở phường An Lạc, Bình Tân. |
Chị Mai Thị Ngọc sống trong khu vực phong tỏa cách ly tạm thời tại nhà ở xã hội HOF - HQC Chung cư 35 Hồ Học Lãm, thuộc khu phố 3, phường An Lạc, Bình Tân cho biết: “Tâm trạng của người trong khu phong tỏa lúc đầu cũng hơi lo lắng, nhưng sang ngày thứ 3, tâm lý ổn hơn. Mình có thể mua hàng qua siêu thị nên cũng không lo lắng lắm. Chung cư vận động được các nhà hảo tâm, cá nhân hỗ trợ như rau, củ, quả, gạo, trứng, dầu ăn, nước tương, đường, muối cho cư dân đảm bảo bữa ăn hằng ngày”.
TPHCM khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm, tầm soát sàng lọc trong đêm. |
Trong những ngày phong tỏa, các con vẫn học trực tuyến. Trẻ nhỏ giờ quen với cuộc sống có dịch bệnh, nên đến ngày đến giờ, trẻ sẽ học online trên Zoom từ tiếng Anh đến học vẽ, học đàn... Phụ huynh cũng không còn lúng túng trong việc hướng dẫn con học trực tuyến.
Bữa cơm của những người dân vẫn đảm bảo dinh dưỡng. |
BSCKII Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu TPHCM chia sẻ, những ngày này bệnh viện giờ vắng lặng hẳn đi vì chỉ còn những bệnh nhân hậu phẫu, nội trú với số lượng mổ rất ít. Nhân viên y tế, bác sĩ cũng còn lác đác với số lượng chỉ còn 1/3. Một số đi lấy mẫu xét nghiệm và tiêm văcxin. Một số đi tiếp ứng ở bệnh viện dã chiến, một số bị cách ly vì tham gia khám và có liên quan tới những ca F0.
Khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu TPHCM, những ngày giãn cách vì Covid-19. |
Một cuộc chiến thật sự chống dịch bệnh Covid-19
TPHCM triển khai áp dụng Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian 15 ngày, bắt đầu từ 0h ngày 9/7/2021.
TPHCM sẽ quyết liệt thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 để triển khai quyết liệt, siết chặt các giải pháp phòng chống dịch Covid-19, đạt kết quả cao nhất. |
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu mọi người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, phân xưởng, xí nghiệp và các trường hợp cần thiết khác. Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu vẫn tiếp tục hoạt động bình thường.
Giăng dây phong tỏa, tạm thời cách ly đã trở nên quen thuộc với người dân TPHCM. |
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, TPHCM đã kích hoạt chương trình bình ổn thị trường, đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa và đúng giá cho người dân. Sở Công Thương TPHCM tổ chức tăng lượng hàng hóa cung ứng của các hệ thống phân phối hiện đại (các hệ thống phân phối lớn, chủ lực như Saigon Co.op, Satra, Bách Hóa Xanh…). Năng lực dự trữ và bán hàng lên 120.000 tấn/tháng.
Địa bàn TPHCM hiện có 106 siêu thị cung cấp lương thực, thực phẩm, 112 cửa hàng chuyên về thịt gia súc, gia cầm, 2.469 siêu thị mini và cửa hàng tiện ích, 28.700 cửa hàng bách hóa bán thực phẩm phục vụ cho người dân TP Thủ Đức và các quận - huyện.
Trung bình một ngày đêm 3 chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức sẽ tiếp nhận khoảng 4.000 - 5.000 tấn rau củ quả, thực phẩm tươi sống. |
Saigon Coop đã bổ sung thêm khoảng 7.000 mặt hàng nhu yếu phẩm lên trang https://cooponline.vn để đáp ứng nhanh nhu cầu đặt hàng online giao hàng tận nhà đang tăng đột biến của người dân. Tổng Giám đốc Satrafoods Lâm Quốc Thanh khẳng định, đơn vị đã tăng cường thêm nhân viên để kịp thời cung cấp hàng hóa lên kệ. Các cửa hàng, siêu thị của Satrafoods sẽ tăng thời gian hoạt động, cụ thể mở cửa từ 7h - 23h hằng ngày. Nhiều đơn vị khác kinh doanh thực phẩm khác ngoài mua bán trực tiếp với hình thức đang triển khai hình thức bán hàng online và qua app điện thoại.
Ông Nguyễn Quang Minh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty dệt Việt Thắng cho biết: "Các hợp đồng sợi chúng tôi đã ký kết được vài tháng nên trong giai đoạn này, doanh nghiệp vẫn có sản xuất đến tháng 8. Còn vải dệt chủ yếu sản xuất và bán trong nước nhưng do dịch bệnh, không có đơn hàng vì các cửa hàng vải, các chợ như Soái Kình Lâm, chợ Tân Bình… đều đã tạm đóng cửa".
Theo ông Minh, điều khó khăn nhất, vừa rồi Đồng Nai với Bình Dương ra thông báo về vấn đề phải xét nghiệm Covid-19 âm tính trong 3 - 7 ngày đã gây ảnh hưởng rất lớn tới doanh nghiệp bởi theo một đơn vị chuyên chăm sóc sức khỏe cho người lao động, xét nghiệm ước tính 300.000đ/lượt. Doanh nghiệp phải xét nghiệm cho khoảng hơn 200 công nhân đi làm ở Bình Dương và Đồng Nai để nhận giấy được phép đi lại, nếu kéo dài, thật sự không ổn,
Khi người lao động vào doanh nghiệp sẽ được quản lý, khi người lao động về nhà sẽ được đội ngũ quản lý tại nhà như tổ Covid-19 cộng đồng… Nếu có một ca lây nhiễm cũng chỉ trong thời gian đó, người ta rất dễ khoanh vùng cách ly với các loại test nhanh có sẵn. |
Vì vậy, đối với một số lao động thuộc Bình Dương, Đồng Nai, Tổng Công ty Việt Thắng đã bố trí ăn ở tại chỗ với sức chứa khoảng 150 người, tạo điều kiện cho người lao động có công ăn việc làm vừa đảm bảo duy trì sản xuất vừa đảm bảo chống dịch Covid-19.
Thí điểm giám sát người cách ly tại nhà bằng công nghệ thông tin
Để quản lý, giám sát cách ly tại nhà các ca nghi nhiễm Covid-19 trên địa bàn thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) TPHCM đưa ra 3 giải pháp công nghệ thông tin. Giải pháp thứ nhất là hệ thống VHD (VietNam Health Declaration) do Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel cung cấp. Đây là giải pháp được Bộ Y tế chọn triển khai thí điểm "cách ly y tế phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh". Hệ thống này chỉ sử dụng điện thoại di động thông minh.
Sở Y tế TPHCM đề xuất thí điểm cách ly F1 tại nhà và Sở Thông tin và Truyền thông đề xuất các giải pháp công nghệ thông tin để quản lý. |
Giải pháp thứ 2 là STAYHOME do Hội Tin học TPHCM đề xuất. Thiết bị sử dụng gồm điện thoại di động và vòng đeo tay.
Giải pháp thứ 3 là HCMCovidSafe do nhóm Tech4Covid (Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM, Đại học Công nghệ thông tin TPHCM...) đề xuất. Thiết bị sử dụng là vòng đeo tay có tích hợp SIM điện thoại.
Người dân TPHCM sẵn sàng bước vào giai đoạn giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. |
Thời gian triển khai thí điểm được chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn thí điểm (tháng 7/2021) sẽ áp dụng tại quận 7, quận Gò Vấp, quận 12, quận Tân Bình, Đại học Quốc gia TPHCM. Giai đoạn 2 (trong tháng 8/2021) sẽ triển khai rộng trên tất cả quận, huyện và TP Thủ Đức.
PGS.TS.BS Vũ Minh Phúc, chuyên gia tim mạch nhi tại TPHCM cho rằng, mỗi giai đoạn chống dịch cần có một ưu tiên và chiến lược khác nhau. Hiện nay, việc khai báo y tế và truy vết không còn là chiến lược thích hợp vì cả TPHCM và cả nước đều là vùng dịch, nhiều F0 không có triệu chứng.
Theo PGS.TS.BS Vũ Minh Phúc, nhiều “silent F0” trong cộng đồng chưa hoặc không được phát hiện vì không có triệu chứng. Tốt nhất hãy để các “silent F0” tự phát hiện và bảo vệ cho người thân của họ. |
Theo TS.BS Vũ Minh Phúc, ngoài việc tập trung truy vết diện rộng đang làm, chúng ta cần mua và triển khai test nhanh (kháng nguyên) rộng rãi trong các cơ sở y tế tư nhân và y tế công, từ cơ sơ đến địa phương, kể cả nhà thuốc. Dù độ nhạy không cao nhưng dù sao cũng tầm soát được khoảng 70%. Khi đó người dân tự kiểm tra sức khoẻ. Nếu biết dương tính, họ sẽ đến cơ sở y tế để kiểm tra lại bằng xét nghiệm RT-PCR, hoặc ít ra họ cũng sớm tránh tiếp xúc với người thân, hạn chế lây lan.
Trong trường hợp nếu họ không vào cơ sở y tế vì không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, cũng không sao vì họ sẽ tự cách ly với người thân theo khuyến cáo. Chúng ta có muốn lo hết cho F0 nhẹ, F1 cũng không làm nổi rồi. Vậy hãy huấn luyện người dân một cách quy mô và rõ ràng.