30% tỷ lệ nhồi máu não do huyết áp thấp
Hơn 1 tháng nay, chị Đỗ Phương T. 28 tuổi (Hà Nội) luôn phải gồng mình với công việc, chăm sóc hết chồng rồi lại con ốm. Chị luôn cảm thấy mệt mỏi, ăn không ngon, ngủ không yên. Đã thế ở quê có việc gấp chị lại phải đi gần 300 km về để giải quyết.
Mệt mỏi, lo nghĩ khiến huyết áp chị tụt thấp. Tưởng chỉ cần nghỉ ngơi, uống cốc trà đường nóng sẽ lại sức, không ngờ chị ngất đi. Khi tỉnh dậy trong bệnh viện, chị mới biết mình bị tổn thương não tạm thời do stress gây tụt huyết áp.
Các chuyên gia cho biết, huyết áp thấp do stress, môi trường ô nhiễm, lạm dụng hóa chất đã được đưa vào danh sách các bệnh thời đại và trở thành mối đe dọa không trừ một ai. Theo các số liệu thống kê, trước đây, huyết áp thấp thường chỉ tập trung nhiều ở phụ nữ với tỷ lệ mắc cao gấp khoảng 30 lần nam giới. Nhưng gần đây, có đến 5-7% người trưởng thành bị huyết áp thấp và đang gia tăng cả ở người trẻ.
Bệnh thường gặp ở phụ nữ, phổ biến ở lứa tuổi dậy thì, sau khi sinh con và thời kỳ mãn kinh. Đặc biệt những phụ nữ làm việc quá sức, stress, mất ngủ, cơ thể thiếu chất do giảm cân hoặc ăn uống kém, không đầy đủ dẫn tới thiếu hụt. Tụt huyết áp do stress không chỉ gây đau đầu, mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa, giấc ngủ, rối loạn chức năng tình dục, gây choáng váng, tạo ra cảm xúc lo âu, buồn rầu, căng thẳng, dễ bị kích thích, giật mình, bị trầm cảm…mà còn có thể gây tai biến mạch máu não.
Bí quyết phòng tránh
GS.TS Lê Ngọc Thành, Chủ tịch Hội phẫu thuật tim mạch Việt Nam cho biết, huyết áp trung bình là 120/80 mmHg thì người bị huyết áp thấp có số huyết áp tối đa thấp hơn 100mmHg. Phổ biến là thấp hơn 90/60mmHg. Theo tính toán, nếu số chỉ số huyết áp trên thấp nhưng còn trên 80 mmHg thì tuần hoàn não vẫn bình thường nhờ mạch não dãn ra để thích nghi.
Do đó, người bệnh lúc đầu thấy hoa mắt chóng mặt nhưng sau khi nghỉ ngơi 15-20 phút thì thấy dễ chịu hơn dù huyết áp vẫn không tăng lên. Khi số huyết áp trên từ 70 – 80 mmHg thì bắt đầu có biểu hiện thiếu máu não kéo dài dù có nghỉ ngơi. Nếu chỉ số huyết áp trên dưới 70 mmHg thì gây thiếu máu não rõ ở cả người bình thường. Bệnh nhân bị xơ cứng hay xơ mỡ động mạch thì khả năng thích nghi này giảm nhiều và có thể gây ra tổn thương tại não tạm thời hay vĩnh viễn.
Thực tế, cũng có tới 30% tỷ lệ nhồi máu não do huyết áp thấp. Đặc biệt, huyết áp thấp nếu duy trì lâu rất nguy hiểm vì có thể làm cho các cơ quan thận, gan, tim, phổi bị suy nhanh chóng.
Theo GS.TS Lê Ngọc Thành, muốn đừng để tụt huyết áp, trước hết cần phòng tránh stress bằng cách xây dựng cho mình lối sống vui vẻ, thoải mái, lao động và nghỉ ngơi hợp lý; tránh áp lực quá nặng về tâm lý, công việc, nhất là phải biết "quẳng gánh lo đi mà vui sống"... Ngoài ra, cần phải thực hiện chế độ ăn và sinh hoạt hợp lý như: Dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi và áp dụng chế độ ăn uống điều độ, đặc biệt không nên bỏ bữa, vì nhịn đói sẽ nhanh chóng bị hạ đường huyết. Ăn đủ dinh dưỡng và mặn hơn người thường (10-15g muối/ngày); thể dục thể thao đều đặn với các hình thức nhẹ nhàng như đi bộ, đánh cầu lông, Yoga….
Nhật Hà