Đại tá - BS Nguyễn Quốc Dũng, Phó Chủ nhiệm Khoa Ngoại bụng, Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) cho biết, bệnh nhân T.H.T. có dấu hiệu trầm cảm thích ăn các dị vật kim loại.
Bệnh nhân T.H.T. có dấu hiệu trầm cảm thích ăn các dị vật kim loại, còn gọi là hội chứng pica. |
Bệnh nhân có dấu hiệu đau bụng khoảng 1 tháng nay và đã đi khám tại một bệnh viện địa phương. Các bác sĩ tại đây phát hiện dị vật bất thường và được chuyển lên Bệnh viện Quân y 175. Các bác sĩ Khoa Ngoại bụng hội chẩn và tiến hành phẫu thuật lấy ra khỏi cơ thể bệnh nhân khoảng 1kg dị vật kim loại đã bị ăn mòn một phần như đinh, thìa, bấm móng tay, lưỡi dao, thỏi sắt, móc đồ cho bệnh nhân.
Do số lượng dị vật trong bụng bệnh nhân quá nhiều nên ekip phải tiến hành mổ mở và chụp C- ARM (X-quang trong lúc mổ) để tránh bỏ sót dị vật. Sau 2 tiếng các dị vật đã được lấy ra, bệnh nhân được chuyển về Khoa Ngoại bụng để tiếp tục theo dõi và điều trị.
Các bác sĩ Khoa Ngoại bụng, Bệnh viện Quân y 175, hội chẩn và tiến hành phẫu thuật lấy ra khỏi cơ thể bệnh nhân khoảng 1kg dị vật kim loại. |
Theo thông tin từ Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ, Viện Y tế Quốc gia, hội chứng pica là một chứng rối loạn ăn uống hiếm gặp, gây cảm giác thèm ăn những đồ vật không thể ăn được như đá, gạch, phấn, xà phòng, giấy, đất, kim loại…
... như đinh, thìa, bấm móng tay, lưỡi dao, thỏi sắt, móc đồ. |
Rối loạn này thường gặp ở trẻ em, ảnh hưởng đến 10 - 30% trẻ nhỏ từ 1 - 6 tuổi. Bệnh cũng có thể xảy ra ở trẻ em và người lớn bị khuyết tật về trí tuệ và phát triển, chẳng hạn như chứng tự kỷ. Trong trường hợp bà bầu thèm những món lạ, không phải thực phẩm, hội chứng pica thường liên quan đến tình trạng thiếu sắt và kẽm.
Một bệnh nhân mắc hội chứng pica thường gặp một số biến chứng như: Nghẹt thở do ăn đất đá to hay cát bay vào phổi; gây hại cho não hoặc toàn thân do ngộ độc chì hoặc các chất có hại khác; gãy răng do ăn các vật cứng; hệ tiêu hóa bị tổn thương như loét, tắc ruột hoặc một số rối loạn tiêu hóa như phân có máu, táo bón hoặc tiêu chảy.
Bệnh nhân được chăm sóc sau khi được phẫu thuật lấy hết các mẫu dị vật kim loại ra khỏi cơ thể. |
Dịch vụ Y tế Quốc gia Mỹ (NHS) không đưa ra phương pháp điều trị cụ thể cho bệnh nhân mắc hội chứng pica. Các bác sĩ sẽ chỉ giải quyết các biến chứng do hội chứng pica, ví dụ như bác sĩ sẽ điều trị chứng táo bón, tiêu chảy, loét, rách ruột, nhiễm trùng hoặc phải phẫu thuật lấy dị vật ra khỏi cơ thể. Nếu nhận thấy bệnh nhân không có đủ sắt hoặc kẽm, bác sĩ sẽ giải quyết bằng cách bổ sung vitamin và các khuyến nghị về chế độ ăn uống.
Một trọng tâm điều trị khác, các chuyên gia y tế đã khuyến nghị các lựa chọn khác nhau chống lại cuộc rối loạn ăn uống đó. Bệnh nhân nên đến khám chuyên khoa sức khỏe tâm thần hoặc hành vi để được điều trị bằng các liệu pháp tâm lý, thay đổi nhận thức và hành vi để lựa chọn một trong những chế độ ăn uống khác có sẵn.