Háo hức quá vì được tiêm văcxin Covid-19
Đợt tiêm của chúng tôi được lên lịch vào ngày 4/5 sau kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Trong những ngày nghỉ, nhóm phóng viên tạo ra group để thông tin, tìm hiểu về văcxin và động viên nhau đi tiêm. Mặc dù có nhiều thông tin về tác dụng không mong muốn của văcxin, có người khuyên không nên chích... trên hết trong tôi vẫn là cảm xúc háo hức vì bản thân mình được tiêm văcxin Covid-19 trong khi đại dịch Covid-19 vẫn đang tiếp diễn một cách phức tạp và khốc liệt.
Trong nhà, tôi còn ông bà ngoại, mẹ, con nhỏ và các cháu. Mỗi khi nghỉ lễ đưa con về Nha Trang chơi, con gái rất thích đi tắm biển, nhưng gần như hai năm nay, tôi chẳng dám cho bé đi đâu ra ngoài, vào chốn đông người. Tôi không biết lúc nào, ở đâu, có ca F0 hay F1... Rồi mỗi lần đi tác nghiệp trong các khu điều trị, khu cách ly, bệnh viện, tôi cũng khá e ngại sẽ mang mầm bệnh về cho gia đình. Do đó, nếu được chích ngừa Covid-19 vì nằm trong đối tượng ưu tiên, tôi sẽ được an toàn và trên hết cả nhà tôi cũng vậy.
Phóng viên, biên tập viên theo dõi y tế đi tiêm văcxin Covid-19 vui như trẩy hội. |
Tôi được các bác sĩ dặn: "Em nhớ ăn sáng, ăn nhè nhẹ thôi để tránh nôn ói. Không được uống cà phê dễ khiến tim đập nhanh hoặc huyết áp tăng. Nhớ uống nhiều nước. Nhớ mang theo vài viên thuốc Paracetamol hay Efferalgan dạng sủi cho dễ uống nếu bị sốt hay đau chỗ tiêm...".
Tôi cũng từng đến nhiều cơ sở y tế đã tổ chức tiêm ngừa Covid-19 như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, Bệnh viện Quận 11, Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng)… Có người khi bước vào khám sàng lọc tự nhiên huyết áp tăng vọt, tim đập nhanh… dù người đó chia sẻ với chúng tôi rằng họ rất vui mừng khi được ưu tiên tiêm văcxin. Tôi cũng ghi nhận nhiều nhân viên y tế chia sẻ về cảm giác "hơi đau, hơi sốt và sẽ nhanh qua...". Thế là trước hôm đi tiêm, tôi đi mua vài viên thuốc và vitamin E để vào trong giỏ xách.
Buổi tối, tôi với con gái đi ngủ sớm để mai dậy sớm. Nhưng trằn trọc mãi chẳng ngủ được vì chợt nhớ ra mình có tiền sử bị dị ứng hải sản. Có khi nào mình không được chích không nhỉ? Mình có nên thông báo cho bác sĩ không vì thật ra văcxin được nghiên cứu và sản xuất không có liên quan đến hải sản... Thế là tôi gọi điện cho em gái đang sống ở Mỹ vì cô ấy cũng đã được chích ngừa và cũng bị dị ứng phấn hoa. Em gái bảo phải thông báo cho bác sĩ để người ta dự phòng, tiêm ngừa nhanh lắm nhưng phải ngồi theo dõi lâu hơn người ta một chút.
Buổi sáng hôm tiêm, tôi vẫn đưa con đến trường. Hai mẹ con đi sớm hơn mọi người một chút để cùng ăn sáng. Tôi đưa con đến trường lúc 7h15 và đến luôn Viện Pasteur TPHCM vào lúc 7h35. Hóa ra, nhiều người cũng náo nức như tôi. Cả căn phòng đông đúc, có cả máy quay, máy chụp hình như đi hội.
Tác giả đi tiêm văcxin Covid-19. |
Phóng viên Vũ Em, Trung tâm Tin tức VTV24, đến điểm tiêm sớm nhất, 7h30, nhưng phải đến 10h mới được tiêm vì huyết áp tăng. Chắc đêm hôm trước háo hức quá và lỡ uống ly cà phê.
Viện Pasteur TPHCM tổ chức tiêm rất chuyên nghiệp. 2 bàn sàng lọc, 1 bàn khám với đầy đủ các thiết bị sàng lọc như nhiệt kế, ống nghe, máy đo huyết áp, bảng kiểm khám sàng lọc trước tiêm chủng văcxin phòng Covid-19.
Phóng viên Hữu Thông, Ban Báo in Khoa học & Đời sống thuộc Báo Tri thức và Cuộc sống, chỉ thấy giống "say rượu" lúc tiêm văcxin Covid-19 xong đến tối là bình thường. |
Tôi chỉ mất có 10 phút để kiểm tra huyết áp, đo nhiệt độ, trả lời câu hỏi sàng lọc. Sau đó là 5 phút nữa tại bàn khám. Bác sĩ hỏi tôi về dự định có đang thai không, có tiền sử rối loạn đông máu hoặc đã từng sử dụng thuốc điều trị, chích văcxin nào khác mới đây hay không…
Tôi cũng khai báo với bác sĩ tôi vốn thuộc dạng dễ dị ứng như dị ứng hải sản, mỹ phẩm và từng có lần sốc phản vệ rất nặng vào năm tôi học lớp 12. Mà theo lời mẹ tôi kể lại, khi đưa tôi vào cấp cứu của bệnh viện tỉnh, mạch và huyết áp bằng 0.
Phóng viên Kim Dung, Đài Tiếng nói Việt Nam tại TPHCM, bị nôn ói sau hơn 15 phút được tiêm ngừa Covid-19, một trong những phản ứng phụ đã biết tư vấn trước đó. |
Tuy nhiên, tôi không thuộc diện trì hoãn tiêm hoặc chống chỉ định tiêm ngừa văcxin Covid-19. Tôi đã ký vào phần đồng ý được tiêm ngừa văcxin Covid-19 và chờ đến lượt mình. Cả phòng náo nhiệt, í ới gọi nhau vì vừa phải tác nghiệp, tranh thủ phỏng vấn đồng nghiệp, chụp hình, quay phim…
8h20 đến lượt tôi tiêm ngừa văcxin Covid-19. Cô y tá hôm ấy tiêm cho tôi là một người có kỹ thuật tiêm rất điêu luyện. Tôi còn chưa kịp cảm thấy đau cuộc tiêm đã xong rồi.
Sau đó, tôi được cô ấy thông báo về các tác dụng không mong muốn của văcxin sẽ xảy ra và một tờ giấy có in sẵn các triệu chứng và dặn tôi ngồi chờ 30 phút. 2 bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM vẫn luôn sẵn sàng hỗ trợ tôi nếu có gì không ổn. Tôi đã ngồi chờ đến 10h mới ra về. Đến lúc ấy, khoảng 50 phóng viên đã được tiêm ổn và cũng ra về sau thời gian theo dõi. Mọi người ai cũng thoái mái, vui vẻ.
Hôm ấy, 2 bác sĩ cấp cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM đến Viện Pasteur theo dõi tình hình sau tiêm gần như “ế” khách. Chỉ mỗi phóng viên Kim Dung, Đài Tiếng nói Việt Nam tại TPHCM bị nôn ói sau hơn 15 phút được tiêm.
Nhà báo Độc Lập (Báo Thanh Niên) tiêm văxin Covid-19. |
Trong nhóm chat của phóng viên y tế trước đó, mọi người chia sẻ cho nhau về thông tin: "Tối em sốt cao, sáng hôm sau bớt rồi", "Giờ em hơi mệt", "Ba ngày sốt cao, bây giờ bình thường", "Chị hơi đau ở chỗ tiêm". Còn tôi, gần 1 tuần, cơ thể vẫn bình thường, đi làm và đưa đón con như mọi ngày. Chỉ có, mỗi ngày tôi uống nhiều nước, trà xanh, và bổ sung vitamin E…
Bộ Y tế kiểm tra công tác tiêm chủng tại Bệnh viện Hùng Vương TPHCM. |
Người đứng đầu Bộ Y tế, GS.TS Nguyễn Thanh Long đã từng chia sẻ: “Quy trình tiêm chủng tại Việt Nam được triển khai ở cấp độ an toàn cao nhất. Các cơ sở tiêm chủng văcxin phòng Covid-19 phải bảo đảm tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực; thực hiện khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm chủng và tổ chức buổi tiêm chủng an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Người đi tiêm văcxin phải ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút sau khi tiêm để theo dõi tình hình sức khoẻ”.
Nhà báo Nguyễn Quang Liêm (Báo Người Lao động) cũng là một trong các phóng viên, biên tập viên vừa được tiêm văcxin ngừa Covid-19 ngày 4/5 tại Viện Pasteur TPHCM. |
Ghi nhận đến nay, 16% phản ứng thông thường sau tiêm như đau tại chỗ, sốt nhẹ… Triệu chứng này hết sau 24h. Tỷ lệ này thấp so với các nước trên thế giới. Trường hợp tử vong sau tiêm văcxin Covid-19 tại An Giang được xác định là vô cùng hiếm gặp, do sốc phản vệ trên cơ địa quá mẫn với non steroid (NSAIDs).
Có cơ hội phải tiêm văcxin ngừa Covid-19 liền
Một trong những chuyên gia y tế đã tiêm đủ 2 mũi văcxin ngừa Covid-19, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM cho biết: “Gần 24 tiếng sau chích ngừa Covid-19 mũi 1, tôi hơi rêm mình, đau nơi chích chút chút; vẫn làm việc, trả lời Fanpage, coi đá banh, đón xe buýt đi làm… Sau 12 tiếng chích mũi 2, tôi gần như bình thường”.
BS Trương Hữu Khanh đã được chích xong 2 mũi văcxin ngừa Covid-19. |
Theo vị bác sĩ này, chích ngừa Covid-19 là cơ hội cho bản thân, cho gia đình, cho khách hàng và cho cộng đồng. Virus biến chủng là tất yếu, càng mới với con người càng biến chủng nhiều. Biến chủng nào cũng lây nhanh vì sự giao thương toàn thế giới. Tuy nhiên, biến chủng nào, người dân cũng cần thực hiện nghiêm thông điệp “5K” theo khuyến cáo của Bộ Y tế, không để quá tải khối điều trị và chích ngừa khi có điều kiện”.
BS Trương Hữu Khanh chia sẻ: “Tôi nghe nhiều đồng nghiệp bên ngành tiêm chủng lo canh cánh sau những đợt tiêm chủng. Đợt tiêm chủng này, chúng tôi cũng nghĩ chuyện này sẽ đến, cũng nghĩ cách trấn an, cùng mọi người nghĩ cách an toàn nhất. Vì chỉ có tiêm chủng, mọi việc mới bình yên, bình thường như mong muốn. Nhưng vẫn nặng lòng lắm, một đồng nghiệp lại nằm đúng vào xác suất cực hiếm. Đúng là cuộc chiến, mong muốn tốt nhất nhưng không thể. Mong sự an bình cho tất cả mọi người”.