Tình cảm mới là trọng

Trong một buổi biểu diễn văn nghệ của CLB Ngày xưa và tình bạn, tôi gặp hai bác đã ngoài 80 tuổi đến để cổ vũ cho cô em gái năm nay cũng đã 76 tuổi. Nhìn ba chị em thân thiết bên nhau, có một cái gì đó thật cảm động.

Bức ảnh 7 anh chị em

Bà Phạm Vĩnh Trinh (83 tuổi, ở Ngọc Khánh, Hà Nội) người chị lớn trong mấy chị em kể, gia đình bà có 7 anh chị em, giờ vẫn còn đủ. Ông anh cả cũng đã gần 90.

Mấy năm trước, về quê ăn giỗ, 7 anh chị em đứng trước nhà thờ chụp ảnh. Một bức ảnh thật đẹp và đáng tự hào, vì đến nay anh em vẫn còn đông đủ, lại đoàn kết, thương yêu nhau.

7 anh chị em trong gia đình bà Phạm Vĩnh Trinh

Bà bảo, lúc còn trẻ đã thân nhau nhưng có khi vì bận công việc, con cái còn nhỏ nên không có điều kiện gặp nhau nhiều. Còn giờ về già, được gặp gỡ, trò chuyện với nhau là niềm vui của họ. Không kể những khi có giỗ, việc gia đình, cứ một hai tuần các bà lại đến nhà nhau chơi, có khi tuần 2 lần gặp nhau. Chỉ có một bà ở xa nhất là trong TP HCM thì thỉnh thoảng lại gọi điện ra trò chuyện đến cả tiếng đồng hồ.

Không chỉ chị em gái thân nhau, mà các bà chị em dâu và các ông rể cũng thân nhau như thế. Không chỉ thân nhau, còn thân với cả bạn bè của nhau nữa. Đến thế hệ các con cũng vậy, dù bận làm ăn xa đến đâu thì mỗi năm họ cũng hẹn nhau một ngày để tụ tập đông đủ.

Điều đó có lẽ là do truyền thống gia đình. Bà Vĩnh Trinh còn nhớ, khi còn bé ông thân sinh bà còn nuôi mấy người con của chú em, coi như con và mấy chị em bà cũng coi họ như anh em ruột. Là em con chú nhưng có những người hơn tuổi thì vẫn cứ gọi là anh.

Đến thế hệ bà cũng vậy, luôn dạy con sống phải trọng tình nghĩa. Giai đoạn vất vả nhất là khi các cụ ốm. Vừa chăm bà mẹ chồng ngoài 90 và bà chị chồng sống cùng gia đình mình, bà lại vừa chạy đi chạy lại trông nom mẹ đẻ và bà chị lớn cũng đau ốm. Vất vả đến nỗi bà đã phải nghỉ hưu sớm trước 5 năm để ở nhà chăm sóc 4 người ốm.

Có tài sản đâu mà tranh nhau

Điều đáng tự hào nhất, có lẽ là trong gia đình, họ tộc không có chuyện tranh chấp tài sản mà nảy sinh mâu thuẫn, cãi cọ hay từ nhau.

Bà cười thật hóm hỉnh: Có tài sản đâu mà tranh nhau. Đất của các cụ ở quê cho người ta ở nhờ rồi bị chiếm mất, sau này con cháu phải đóng góp mua lại, xây cái nhà thờ để có chỗ đi về. May có ông em út năm nay đã 74 tuổi, chịu về ở đó để trông coi.

Hiện bà đang ở cùng gia đình con trai thứ hai ở căn hộ tập thể trên phố Nguyễn Chí Thanh. Các con đều tự lo được nhà, tháng tháng lại biếu tiền để mẹ tiêu.

Bà kể, ông nhà trước ở trong quân đội nên nghiêm lắm. Được phân căn nhà tập thể này là ông trả lại nhà đất trong khu Nghĩa Đô. Đến cả việc con trai phải đi xa, nói ông xin cho nó về gần gần, ông cũng gạt đi. Bà không bao giờ có thoáng chút oán giận vì biết tính ông rồi. Mà có thế thì mới sống được với nhau.

Cứ nghĩ, nếu ông lo cho gia đình mà làm những chuyện như thế, cứ giữ lấy đất lấy nhà, hay xin cho con vào chỗ nọ chỗ kia, thì giờ có thể được ở biệt thự, con cái có mấy cái nhà, nhưng làm sao giữ được cốt cách, giữ được nếp nhà. Nên cứ như thế này là bà thấy hài lòng lắm rồi.

Bảo Anh

Theo Đời sống
"Bùng nổ" thương mại điện tử ở nông thôn

"Bùng nổ" thương mại điện tử ở nông thôn

Báo cáo nghiên cứu vừa công bố của J&T Express cho thấy, thói quen mua sắm trực tuyến của người Việt phát triển mạnh mẽ trong dịch và duy trì khá bền vững sau đó. Đáng chú ý, nhu cầu mua sắm trên các sàn thương mại điện tử không chỉ ở các thành phố lớn mà đang "bùng nổ" ở nông thôn.
back to top