Sẽ phải chuyển đổi sang điện thoại thông minh
Theo Thông tư 43 về quy chuẩn kỹ thuật cho thiết bị đầu cuối (Thông tư 43/2020/TT-BTTTT), do Bộ Thông tin & Truyền thông ban hành ngày 31/12/2020, nhiều thiết bị di động sẽ không được nhập khẩu về Việt Nam từ ngày 1/7 do không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật. Theo đó, tất cả điện thoại di động sản xuất hoặc nhập khẩu vào Việt Nam sẽ phải đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất - Phần truy nhập vô tuyến (QCVN 117:2020/BTTTT). Điều kiện quan trọng nhất trong quy chuẩn này là điện thoại phải là thiết bị E-UTRA, tức là tương thích với công nghệ 4G. Như vậy, các điện thoại chỉ hỗ trợ công nghệ 2G, 3G sẽ không được sản xuất, nhập khẩu sau ngày 1/7.
Các thiết bị sản xuất, nhập khẩu trước thời hạn này vẫn được phép lưu hành. Giấy chứng nhận hợp quy, Thông báo tiếp nhận Bản công bố hợp quy đối với máy điện thoại di động sử dụng công nghệ E-UTRA có hoặc không tích hợp công nghệ W-CDMA FDD, GSM và thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất không phải máy điện thoại di động sử dụng công nghệ E-UTRA, W-CDMA FDD, GSM đã được cấp trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành và đang còn thời hạn được tiếp tục áp dụng cho đến hết thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận hợp quy, Thông báo tiếp nhận Bản công bố hợp quy.
Căn cứ theo các yêu cầu kỹ thuật nêu trong QCVN 117:2020/BTTTT, các sản phẩm điện thoại di động (bao gồm cả smartphone và feature phone) và thiết bị đầu cuối thông tin di động khác (VD như thiết bị giám sát hành trình, datalogger, đồng hồ thông minh có sử dụng SIM…) sẽ bắt buộc phải tích hợp công nghệ 4G để được chứng nhận hợp quy kể từ ngày áp dụng quy chuẩn nêu trên.
Trước đó, Bộ TT&TT đã chuẩn bị cho việc tắt sóng viễn thông 2G tại Việt Nam. Theo lộ trình, đến quý I/2022 Việt Nam sẽ bắt đầu tắt sóng 2G. Để thực hiện được điều này, người dùng cần có đủ smartphone để thay thế và mục tiêu "mỗi người dân một smartphone" đã được đặt ra. Bộ TT&TT đã thúc đẩy các doanh nghiệp viễn thông, nhà sản xuất phối hợp để có smartphone giá rẻ.
Tắt sóng 2G để thúc đẩy chuyển đổi số
Theo Bộ TT&TT, công nghệ sóng 2G đã xuất hiện tại Việt Nam khi có mạng viễn thông từ những năm 1990. Đến nay, trước sự bùng nổ của Internet, điện thoại thông minh và các dịch vụ kinh tế số, mạng 2G bộc lộ rõ những hạn chế. Một số quốc gia trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia cũng đều đã hoặc đang trong tiến trình loại bỏ công nghệ 2G. Khi tắt sóng 2G, những chiếc điện thoại cơ bản hay còn gọi là "cục gạch" sẽ ngừng hoạt động và không thể thực hiện các tác vụ cơ bản như nghe, gọi, nhắn tin.
Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Trung, Đại học Bách khoa Hà Nội, sẽ có hai đối tượng người dùng bị ảnh hưởng khi tắt sóng 2G là đối tượng những người có thu nhập thấp, nhất là người dân ở vùng quê, vùng sâu, vùng xa khi giá smartphone còn cao. Đối tượng thứ hai là chưa được phép hoặc chưa thích ứng với công nghệ mới. Cụ thể là học sinh do bố mẹ và nhà trường không cho phép dùng smartphone. Hoặc người già không đủ khả năng dùng smartphone. Tuy nhiên để đón đầu xu hướng này, một số hãng điện thoại đang đưa ra các mẫu máy hỗ trợ mạng 3G,4G, thậm chí là kế hoạch đưa ra smartphone giá rẻ có tích hợp công nghệ 5G.
Ông Hoàng Minh Cường, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết, tỷ lệ điện thoại "cục gạch – feature phone" – chỉ dùng cho gọi và nhắn tin (điện thoại 2G) đang theo chiều hướng giảm mạnh. Chỉ từ cuối năm 2019 đến cuối quý 3/2020, số lượng điện thoại "cục gạch" đã giảm khoảng 6-7 triệu máy và là việc giảm tự nhiên chứ chưa hề có hỗ trợ hay giải pháp gì để thúc đẩy người dùng chuyển sang smartphone. Theo ông Cường, với 12 triệu máy điện thoại feature phone còn lại, đến thời điểm dự kiến dừng công nghệ cũ – 2G (quý 1/2022), cùng các giải pháp, chính sách thúc đẩy người dùng chuyển sang sử dụng smartphone hiện nay, số lượng máy điện thoại feature phone giảm xuống dưới 5% là hoàn toàn khả thi, thậm chí có thể còn nhanh hơn.