Tiền nhân xử tội tham nhũng

Tiền nhân xử tội tham nhũng. N

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Thu thuế vượt quá, xử theo tội ăn trộm

Nạn tham ô, nhũng lạm hay tham nhũng là “quốc nạn” gần như hiển diện trong tất cả các triều đại như một “nội nạn”. Ảnh hưởng trực tiếp đến sự thịnh suy của triều đại; đồng thời, phản ánh sự thịnh đạt hoặc suy thoái của triều đại đó, cũng như hiệu lực quản lý của bộ máy nhà nước, tính răn đe của pháp luật ở từng thời điểm lịch sử cụ thể.

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm coi tham nhũng như là một loại chuột nguy hiểm, chuyên đục khoét của dân, của nước.

Lê Quý Đôn coi tham nhũng là một trong bốn nguyên nhân mất nước. Một đất nước suy vong, một triều đại sụp đổ thường do nhiều nguyên nhân. Trong đó có hai nguyên nhân phổ biến là nạn quan liêu và tham nhũng.

Cũng bởi mối nguy hại ấy mà triều đại nào cũng muốn bài trừ, tận diệt loại giặc nội xâm cực kỳ nguy hiểm này và ra luật nghiêm trị.

Sử sách ghi chép, không ít triều đại phong kiến đã chống tham nhũng rất quyết liệt và có hiệu quả. Có những ông vua và nhiều vị đại thần nổi tiếng chính trực nghiêm minh. Nhiều tấm gương tiêu biểu trên mặt trận này được muôn đời truyền tụng.

Thời Lý Thái Tổ, theo chiếu ban hành năm 1042 về việc thu thuế trăm họ.

Nếu ai thu vượt quá sẽ bị xử theo tội ăn trộm…

Chiếu năm 1044 nêu, ai ở kho lụa nhận riêng một thước lụa bị phạt 100 trượng. Nhận từ một tấm trở lên bị phạt trượng theo tấm kèm 10 năm khổ sai.

Cũng trong năm này có một đạo chiếu quy định cấm các quan coi ngục không được sai tù làm việc riêng. Nếu vi phạm bị xử 100 trượng, thích chữ vào mặt và vào nhà lao.

Bộ luật chống tham nhũng mạnh mẽ nhất

Thời Lê, sau chiến thắng quân Minh, tướng sĩ lao vào hưởng lạc, sa đọa. Quan lại tham nhũng, bè phái, tệ quan lại tham ô, tham nhũng khá phổ biến. “Trên từ tể tướng, dưới thì trăm quan, thi nhau tranh giành tư lợi, ăn của đút và đưa đón một cách công khai”.

Trước hiện trạng đó, Lê Thánh Tông đã kiên quyết “đương đầu” với tệ nạn này. Thể chế hóa việc chống tham nhũng thành luật và thi hành triệt để. Thành biện pháp hữu hiệu nhất để chống tham ô, tham nhũng.

Vua đặt ra 6 khoa để giám sát các quan lại thi hành công vụ.

Lập ra các cơ quan giám sát ngự sử để phát giác và hạch lỗi các quan. Làm rõ những điều uẩn trong dân.

Bộ luật Hồng Đức được ban hành là bộ luật chống tham nhũng mạnh mẽ nhất, tích cực nhất thời đó. Trong 722 điều thì có trên 40 điều bao hàm nội dung chống tham nhũng. Một số điều nhằm hạn chế các đặc quyền, đặc lợi của quan lại. Nhiều điều khác ấn định mức xử phạt, trừng trị các hành vi đục khoét của công, lợi dụng quyền lực để sách nhiễu dân lành.

Điều 138 của bộ luật này quy định, quan lại mà tham nhũng, nhận hối lộ, làm sai phép nước bị phạt theo các mức: nếu tham ô từ 1 đến 9 quan tiền bị cách chức. Từ 10 đến 19 quan thì bị đánh trượng rồi đi đày. Từ 20 quan trở lên bị xử chém.

Ngoài hình phạt chính, các quan ăn hối lộ từ 1 đến 9 quan tiền bị phạt 50 quan. Từ 10 đến 19 quan thì bị phạt từ 60 đến 100 quan. Của hối lộ một phần trả lại chủ, một phần sung vào kho. Chỉ lấy của dân từ 1 quan tiền, đã bị cách chức. 20 quan đã bị tử hình, đủ thấy phép nước thời ấy nghiêm đến thế nào.

(còn nữa)

 Nguyễn Bảo Nam

Theo Đời sống
back to top