Tiêm kết hợp hai loại văcxin ngừa Covid-19: Hiệu quả từ các nghiên cứu sơ khởi

(khoahocdoisong.vn) - Một số nghiên cứu đã phát hiện việc trộn và kết hợp (mix-and-match) văcxin ngừa Covid-19 giữa Pfizer-BioNTech và AstraZeneca-Oxford sẽ tạo ra phản ứng miễn dịch “mạnh mẽ” chống lại virus.

Tạo ra đáp ứng miễn dịch mạnh mẽ ở người

Hầu hết các văcxin ngừa Covid-19 được chích 2 lần: mũi đầu tiên để “mồi” (prime), mũi thứ 2 dùng để kích hoạt (boost) các tế bào lympho T, lympho B có tính nhớ của hệ miễn dịch, nhờ đó tạo ra đáp ứng miễn dịch và các kháng thể để chống lại virus.

Đã có giả thiết đặt ra về việc sử dụng kết hợp “prime - boost” hai loại văcxin khác nhau với cùng 1 tác nhân gây bệnh, có thể khuếch đại đáp ứng miễn dịch bảo vệ lên cao hơn. Chiến thuật này đã được chấp thuận bởi các cơ quan quản lý ở châu Âu cho virus Ebola, HIV…

Trong bối cảnh khan hiếm văcxin ngừa Covid-19, các quốc gia có thể gặp khó khăn khi muốn tiêm đủ hai mũi cùng loại văcxin theo đúng lộ trình.

Trong bối cảnh khan hiếm văcxin ngừa Covid-19, các quốc gia có thể gặp khó khăn khi muốn tiêm đủ hai mũi cùng loại văcxin theo đúng lộ trình.

Đối với văcxin ngừa Covid-19 thì sao? Nghiên cứu trên chuột cho thấy tiêm kết hợp văcxin (ChAdOx1 nCoV-19/AZD1222) với văcxin RNA tự kích hoạt (self-amplifying RNA) làm tăng số lượng tế bào lympho T như vậy làm tăng nồng độ kháng thể cao hơn so với chích cùng 1 loại văcxin. Nhờ đó, khi tấn công cơ thể, virus sẽ xâm nhập vào trong tế bào người, lúc này, tế bào lympho T sẽ loại bỏ tế bào đã nhiễm virus, đồng thời thúc đẩy tế bào B tạo ra kháng thể nhiều hơn.

Nghiên cứu từ Đức, CombiVACS (Tây Ban Nha) và Com-COV (Anh) đã báo cáo các kết quả ban đầu hứa hẹn, cho thấy khi kết hợp 2 loại văcxin khác nhau có thể tạo ra đáp ứng miễn dịch mạnh mẽ ở người. 

Cụ thể, trong nghiên cứu CombiVACS (Tây Ban Nha), pha 2 thực hiện trên hơn 676 người từ 18 - 60 tuổi, được tiêm mồi với văcxin ChAdOx1-S (Oxford-AstraZeneca), sau đó tiêm mũi 2 với văcxin BNT162b2 của Pfizer/BioNTech.

Kết quả cho thấy, ở nhóm kết hợp 2 loại văcxin, nồng độ kháng thể đặc hiệu chống lại virus SARS-CoV-2 tăng cao hơn so với lịch trình tiêm tiêu chuẩn của văcxin AstraZeneca. Không chỉ vậy, nồng độ interferon-gamma - một loại protein được tiết ra từ tế bào lympho T giúp đỡ loại 1, có đặc tính kháng virus - cũng tăng cao hơn trong nhóm kết hợp 2 loại văcxin.   

Đã có giả thiết về việc sử dụng kết hợp “prime - boost” hai loại văcxin khác nhau với cùng 1 tác nhân gây bệnh, có thể khuếch đại đáp ứng miễn dịch bảo vệ lên cao hơn.

Đã có giả thiết về việc sử dụng kết hợp “prime - boost” hai loại văcxin khác nhau với cùng 1 tác nhân gây bệnh, có thể khuếch đại đáp ứng miễn dịch bảo vệ lên cao hơn.

Tương tự như vậy, tại Đức, 340 công nhân được chia làm 2 nhóm: Tiêm 2 mũi BNT162b2 (Pfizer/BioNTech) hoặc 1 mũi ChAdOx1-S (Oxford-AstraZeneca)/1 mũi BNT162b2 (Pfizer/BioNTech) sau 10 - 12 tuần. Kết quả cho thấy, khả năng tạo kháng thể bảo vệ ở 2 nhóm là tương tự nhau. Thậm chí, ở nhóm tiêm kết hợp ChAdOx1-S (Oxford-AstraZeneca)/BNT162b2 (Pfizer/BioNTech), tế bào lympho T dường như đáp ứng mạnh mẽ hơn so với nhóm chích cùng loại văcxin.

Tính an toàn và tác dụng phụ

Bên cạnh hiệu quả, tính an toàn cũng như tác dụng phụ của văcxin luôn là một vấn đề cần lưu ý. Vậy thì, khi kết hợp hai loại văcxin với nhau, tác dụng phụ sẽ tăng lên, giảm đi hay là tương tự?

Tin khả quan là đa phần kết quả từ các nghiên cứu chúng ta đang có cho rằng các tác dụng phụ có thể chấp nhận được, tương tự như các tác dụng phụ thường gặp khi chích 1 loại văcxin. Không có báo cáo nào về các phản ứng nặng hoặc đe dọa tính mạng.

Trong nghiên cứu CombiVACS (Tây Ban Nha), tác dụng phụ được báo cáo chủ yếu là các phản ứng nhẹ - trung bình, như đau tại chỗ tiêm, cứng tại chỗ tiêm, đau đầu, đau cơ và không có tác dụng phụ nào.

Nghiên cứu kết hợp văcxin tại Đức ghi nhận phản ứng mệt, đau cơ, đau đầu, sốt/lạnh run. Đặc biệt, nhóm dùng đơn lẻ 1 loại ChAdOx1-S (Oxford-AstraZeneca) hoặc tiêm 2 mũi BNT162b2 lại thường gặp tác dụng phụ hơn so với khi kết hợp 2 loại văcxin.

Trong nghiên cứu Com-CoV (Anh), người tham gia được chích mũi 1 ChAdOx1 nCoV-19 (AstraZeneca) và mũi 2 là BNT162b2 (Pfizer-BioNTech) lại cho thấy phản ứng phụ toàn thân nhiều hơn so với nhóm chích 2 mũi ChAdOx1 nCoV-19 (AstraZeneca), chủ yếu là cảm giác sốt, cảm giác ớn lạnh, mệt, đau đầu, đau khớp, mệt mỏi, đau cơ.

Các phản ứng phụ xảy ra sau chích mũi 2, hầu hết trong vòng 48 giờ sau tiêm, không có ca nào nhập viện. Các xét nghiệm máu, sinh hóa sau tiêm chủng giữa nhóm chích kết hợp và chích cùng loại tương tự nhau.

Bên cạnh kết hợp giữa văcxin vectơ gốc adenovirus (Oxford-AstraZeneca) và văcxin mRNA BNT162b2 (Pfizer-BioNTech), chiến thuật sử dụng kết hợp văcxin protein của virus SARS-CoV-2 (Novavax) đang được các giáo sư tại tại Đại học Công giáo Hàn Quốc (Bucheon) xem xét. Văcxin protein tái tổ hợp có ưu điểm là kích hoạt phản ứng miễn dịch mạnh và dễ phân phối, sản xuất hơn so với văcxin mRNA, do đó, đây là một hướng nghiên cứu tiềm năng.

Kết quả ban đầu của chiến thuật kết hợp nhiều loại văcxin ngừa Covid-19 cho thấy tiềm năng trong việc tăng đáp ứng miễn dịch bảo vệ, an toàn và tác dụng phụ chấp nhận được.

Kết quả ban đầu của chiến thuật kết hợp nhiều loại văcxin ngừa Covid-19 cho thấy tiềm năng trong việc tăng đáp ứng miễn dịch bảo vệ, an toàn và tác dụng phụ chấp nhận được.

Không giống như văcxin mRNA, Sputnik V (Nga) hoạt động bằng cách kết hợp hai vectơ adenovirus khác nhau (Ad26, Ad25 tái tổ hợp), mỗi vectơ có gắn ADN mã hóa protein gai (spike) của SARS-CoV-2. Khi tiêm 2 mũi với 2 vectơ adenovirus khác nhau như vậy, thử nghiệm lâm sàng pha 2, pha 3 của văcxin Sputnik V cho thấy những triển vọng về tính an toàn và hiệu quả tạo kháng thể khả quan.

Tuy nhiên, khi nhìn nhận chung về các dữ liệu hiện tại, đa phần thực hiện trên các đối tượng người trưởng thành, khỏe mạnh, không có các bệnh lý nặng đi kèm, và cỡ mẫu còn khá nhỏ. Trong khi đó, ở cộng đồng, người dân có thể có các đặc điểm tình trạng sức khỏe, bệnh lý nền khác nhau. Do đó, chúng ta cần thận trọng và chờ đợi thêm kết quả từ nghiên cứu lớn hơn.

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú (Trung tâm Y Sinh học Phân tử, Trường Đại học Y Dược TPHCM)

Theo Đời sống
Day huyệt hạ huyết áp

Day huyệt hạ huyết áp

Để chữa cao huyết áp, ngoài việc dùng thuốc, thay đổi lối sống, y học cổ truyền có một phương pháp rất độc đáo mà ít người biết đến đó là việc tự xoa bóp huyệt vị.
back to top