TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú, Trung tâm Y Sinh học Phân tử - Trường Đại học Y Dược TPHCM. |
Văcxin Covid-19 liệu có an toàn không khi ra đời quá vội vàng?
Những ngày qua, thông tin về trường hợp tử vong sau khi tiêm văcxin Covid-19 đã gây xôn xao và dẫn đến tình trạng do dự khi chích văcxin. Vì vậy, chúng ta cần có sự nhìn nhận về tính an toàn cũng như tác dụng phụ của văcxin dựa trên các bằng chứng khoa học.
Theo Daniel Salmon, Giám đốc của Viện An toàn văcxin tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins (Mỹ), mặc dù bản thân văcxin Covid-19 là mới, nhưng các công nghệ được sử dụng để tạo ra văcxin đã được ứng dụng nhiều.
Tiêm ngừa văcxin phòng virus SARS-CoV-2. |
Sau bùng phát các đại dịch như SARS, MERS và Ebola, sự phát triển của khoa học công nghệ đã tạo nền tảng cho văcxin Covid-19 từng bước phát triển thêm. Một số công nghệ đã được sử dụng cho văcxin:
Văcxin bọc ARN thông tin (mRNA)], ví dụ như của Pfizer/BioNTech và Moderna. Công nghệ đã được phát triển và nghiên cứu kỹ lưỡng trong nhiều thập kỷ để sử dụng trong cả văcxin cũng như điều trị ung thư.
Văcxin véctơ virus, ví dụ như của Astrazeneca/Oxford, Johnson&Johnson, Gamaleya (Sputnik V). Nguyên tắc chính của văcxin là sử dụng một loại adenovirus - một loại virus gây cảm lạnh thông thường, đã được điều chỉnh đến mức vô hại để làm véctơ vận chuyển ADN của virus, giúp cơ thể nhận biết một phần của coronavirus và chống lại căn bệnh.
Công nghệ adenovirus cũng đã được phát triển trong nhiều năm, có thể dễ dàng điều chỉnh và đã được Johnson & Johnson sử dụng để sản xuất văcxin Ebola được Cơ quan Dược phẩm Châu Âu cho phép vào năm 2020.
Văcxin vỏ virus, ví dụ như của Novavax, văcxin virus bất hoạt, ví dụ như của Sinopharm, Sinovac...
Trước khi được công nhận bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và FDA, các văcxin đều phải trải qua một các quá trình thử nghiệm lâm sàng (phase 1, phase 2, phase 3) được thực hiện chặt chẽ, trên một cỡ mẫu dân số lớn, với nhiều độ tuổi, giới tính, chủng tộc và có các bệnh nền khác nhau, trước khi văcxin được phép sử dụng rộng rãi trong công chúng.
Các tác dụng bất lợi có thể xảy ra sau chích văcxin
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), gần 315 triệu liều văcxin Covid-19 đã được sử dụng tại Hoa Kỳ cho đến nay. 147,8 triệu người Mỹ hiện đã được tiêm chủng đầy đủ. Tính an toàn cũng như các phản ứng bất lợi của văcxin được báo cáo liên tục về các Trung tâm cảnh giác Dược.
Cho đến nay, các tác dụng bất lợi của văcxin đã được báo cáo như sau: Các tác dụng phụ thường gặp đó là triệu chứng có thể ở mức độ nhẹ hoặc trung bình và tự hết trong vòng vài ngày, thường gặp đau tại vị trí tiêm, sốt, mệt, đau đầu, đau cơ, ớn lạnh và tiêu chảy.
Các tác dụng phụ hiếm gặp hơn bao gồm sốc phản vệ: Rất hiếm và đã xảy ra ở khoảng 2 – 5/1 triệu người được tiêm chủng ở Hoa Kỳ.
Hay phản ứng tạo huyết khối kèm theo hội chứng giảm tiểu cầu: Rất hiếm. Trong hơn 11,7 triệu liều văcxin J & J/Janssen Covid-19 đã được tiêm tại Hoa Kỳ, CDC và FDA đã xác định 36 báo cáo đã được xác nhận tiến triển tạo huyết khối sau tiêm. Đặc biệt, phụ nữ dưới 50 tuổi nên lưu ý về nguy cơ hiếm gặp nhưng nguy cơ gia tăng của tác dụng phụ này. Cho đến nay, 1 trường hợp tạo huyết khối được xác nhận sau khi tiêm văcxin mRNA Covid-19 (Moderna) đã được báo cáo cho hệ thống VAERS sau hơn 310 triệu liều văcxin mRNA Covid-19 được sử dụng tại Hoa Kỳ.
Viêm cơ tim hoặc viêm màng ngoài tim: CDC và FDA cũng đã xác nhận 323 ca sau khi tiêm chủng, tuy nhiên vẫn chưa rõ liệu có mối liên hệ với văcxin Covid-19 hay không. Trong hầu hết các trường hợp được báo cáo, các cá nhân đã bình phục.
Tác dụng phụ lâu dài: Theo WHO, không có loại văcxin nào chứa virus còn sống và có hoạt tính đủ để gây bệnh Covid-19.
Theo CDC, trong số hơn 310 triệu liều văcxin Covid-19 đã được sử dụng tại Hoa Kỳ từ ngày 14/12/ 2020 đến ngày 14/6/2021, Hệ thống báo cáo phản ứng bất lợi của văcxin (VAERS) đã nhận được 5.343 báo cáo về trường hợp tử vong (0,0017%). Tuy nhiên, đây là những trường hợp tử vong do bất kỳ nguyên nhân sau khi tiêm văcxin Covid-19, chứ không phải do văcxin.
Cơ quan Dược phẩm châu Âu và WHO đã cấp phép sử dụng văcxin AstraZeneca trên 27 quốc gia thuộc EU, Iceland, Liechtenstein và Na Uy, nhấn mạnh lý do "Lợi ích của văcxin tiếp tục vượt trội so với rủi ro của nó và văcxin có thể tiếp tục được sử dụng".
Nhìn chung, với mục tiêu đạt được miễn dịch cộng đồng tại Việt Nam vào cuối năm 2021, việc sử dụng văcxin ngừa Covid-19 là cần thiết cho cộng đồng. Bên cạnh đó, người dân cũng cần hiểu rõ các thông tin khoa học của văcxin, các tác dụng phụ có thể và trao đổi với nhân viên y tế về các mối quan tâm của mình.
TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú (Trung tâm Y Sinh học Phân tử, Trường Đại học Y Dược TPHCM)