Huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng nằm trong một bồn địa lớn, có sông Đồng Nai chảy quanh làm thành ranh giới; bốn bề còn được bao bọc bởi những ngọn núi hình bát úp cuối dãy Trường Sơn, nên phong cảnh hữu tình. Dài tới 586 km, Đồng Nai là con sông nội địa dài nhất Việt Nam.
Khi chảy qua bồn địa Cát Tiên, sông uốn cong một cách dị thường. Vì sự trắc trở của địa hình, vào mùa mưa, nước dâng lên ồ ạt, dòng nước cuồng nộ, chảy mà như nhảy, tạo nên nhiều thác ghềnh, xoáy nước, còn mùa khô nước rút nhanh khiến lòng sông hẹp lại, đáy nhiều đá nhọn lởm chởm.
Làm thuyền độc mộc bằng phương pháp thủ công là nghề truyền thống độc đáo, chỉ có ở vài tộc người, trong đó người Mạ có kỹ thuật chế tác điêu luyện bậc nhất.
“Để chống chịu được những cú va đập với đá ngầm, sóng dữ, tốt nhất là chọn gỗ nguyên khối để làm thuyền chứ không dùng các mảnh gỗ ghép lại. Đó là căn nguyên sự ra đời của thuyền độc mộc”, già K’Kheng (xã Phước Cát 2) cho biết. Đúng như tên gọi, loại thuyền này được thiết kế, đục đẽo từ thân của một cây gỗ duy nhất mà phải là cây có tiết diện bề ngang thật lớn bởi thân thuyền nơi rộng nhất khoảng 1,5m và dài 8-9m.
Mới 12 tuổi, K’Kheng đã được theo cha và những bậc kỳ tài trong làng đi săn gỗ để làm thuyền. Phải lội suối, trèo đèo hàng tuần trong rừng nguyên sinh mới kiếm được cây gỗ ưng ý. May mắn nhất là tìm được sao xanh (gỗ quý nhóm 2), thứ nữa là cây dâu, cây cáo, những loại cây cổ thụ cao lớn hai người ôm không xuể, gỗ nhẹ dễ đẽo gọt nhưng bền chắc, thớ gỗ thẳng, mịn, ít bị cong vênh, không nứt nẻ và không bị mối mọt.
Già K’Kheng tiết lộ, công cụ duy nhất để làm thuyền là chiếc rìu sắc bén và lửa. Dùng rìu khoét rỗng phần ruột của cây để tạo lòng thuyền, vạt một số chỗ để định hình, tạo dáng con thuyền, gọt phần vỏ của thuyền cho nhẵn… Phức tạp nhất là hơ nóng, thui đốt cho mềm gỗ để uốn cho đến khi hai đầu mũi thuyền thu nhỏ lại và cong hẳn lên.
Người chế tác phải có kinh nghiệm sông nước và bí quyết đẽo gọt để thuyền thật cân đối, khi xuống nước không bị nghiêng lệch. Nếu thuyền không giữ được thế cân bằng thì khi di chuyển dễ bị nứt toác. “Dáng thuyền trông mảnh mai, gọn nhẹ, hai bên mạn thuyền khá mỏng để bớt lực cản của nước khi di chuyển nhưng vẫn phải chắc để chống chịu những con sóng ập vào khi lên thác xuống ghềnh.
Nên ngâm thuyền dưới bùn khoảng 5-6 tháng trước khi sử dụng để thuyền được bền chắc”, già K’Kheng nói. Vì ít người biết đẽo thuyền độc mộc nên họ là niềm tự hào của buôn làng, được nể nang, trọng vọng.
Các bậc cao niên nói không nhớ nghề này có tự bao giờ, chỉ nghe cha ông kể lại rằng, hàng trăm năm trước, thuyền của người Mạ đã rất nổi tiếng. Nhiều tộc người mang sản vật đến đổi những chiếc thuyền này để ngang dọc trên sông Đồng Nai ra tới Biên Hòa, thậm chí đến tận cửa biển Cần Giờ. Ngày nay, thuyền độc mộc không còn nhiều như xưa bởi cây cổ thụ để làm thuyền rất hiếm.
Thánh địa Cát Tiên
Ngược dòng Đồng Nai và xuyên rừng thêm mười mấy cây số là đến thôn 4, xã Phước Cát 2 – nơi có hang Thoát Y. Đây chỉ là cái hang có cảnh quan đẹp và khá nhiều dơi, nhưng với người Mạ, hang rất linh thiêng. Theo truyền thuyết, ai muốn vào hang bắt dơi hoặc nguyện cầu tình yêu bền chặt thì phải hoàn toàn khỏa thân; lòng không oán hận ai. Ngoài ngọn đuốc bằng bùi nhùi, không được mang khí giới hoặc vật dụng gì vào hang, nếu không, sẽ phải bỏ mạng.
Linga-yoni lớn nhất Đông Nam Á ở Cát Tiên.
Địa danh Cát Tiên cũng bắt nguồn từ một truyền thuyết. Già K’Kheng kể rằng, vì vô tình xúc phạm thần nước nên chàng thợ săn bị thần rượt đuổi. Chàng hoảng sợ chạy như bay, còn thần nước thì tức giận cuồn cuộn đuổi bắt tạo ra những thác ghềnh. Lúc chàng đuối sức dừng lại thì nước đọng thành bàu. Cuộc đuổi bắt chỉ ngừng hẳn khi họ bắt gặp các tiên nữ vui đùa trên bãi cát mịn màng bên dòng suối. Cái tên Cát Tiên khởi nguồn từ đó với ý nghĩa là bãi tắm của tiên giáng trần.
Vườn Quốc gia Cát Tiên hiện có hàng trăm loài động – thực vật có tên trong sách Đỏ, đặc biệt là quần thể bò tót quý hiếm lớn bậc nhất thế giới với cả trăm con. Chỉ tiếc rằng, con tê giác Java cuối cùng của Việt Nam đã bị lâm tặc giết chết 5 năm trước.
Đi dọc sông Đồng Nai, thuyền độc mộc cập bến di tích quốc gia đặc biệt Thánh địa Cát Tiên. Trải hơn 30 năm với 8 lần khai quật, hàng ngàn hiện vật quý đã được phát hiện, trong đó nhiều cổ vật được đưa vào kỷ lục Guinness. Thế nhưng, các nhà khoa học vẫn chưa vén được bức màn bí mật về chủ nhân và niên đại của di tích này. Họ bước đầu nhận định đây từng là thánh địa huy hoàng, tráng lệ của một vương quốc hùng cường.
Ông Lương Nguyên Minh – Trưởng ban Quản lý di tích Cát Tiên cho biết, cách thờ cúng và hành lễ ở thánh địa này mang đậm dấu ấn phồn thực với hai biểu tượng chủ đạo là sinh thực khí nam (linga) và sinh thực khí nữ (yoni). Đã có rất nhiều bộ ngẫu tượng linga – yoni được phát hiện, trong đó có bộ lớn nhất Đông Nam Á (linga cao tới 2,1m, đường kính 0,66m, còn yoni có cạnh dài đến 2,26m). Thuở đó, khi vào đền tháp, người hành hương đi một vòng ngược chiều kim đồng hồ quanh linh vật rồi đổ nước lên đầu linga, dùng tay xoa lên vật thiêng và cầu khấn. Dòng nước sẽ chảy xuống chiếc yoni rồi chảy vào máng thiêng đến các đền tháp khác.
Ngày nay, dù Ban quản lý đã gắn bảng “cấm sờ vào hiện vật”, nhưng một số du khách nữ vẫn thắp nhang khấn vái rồi lén lút sờ vào đầu chiếc linga khổng lồ để cầu tự khiến đầu linga nhẵn bóng.
Kim Anh (Theo Tiền phong)