Ăn uống không điều độ dễ làm tổn thương tì vị. Có những người chỉ uống chút nước lạnh, ăn chút đồ chua, đồ béo đã cảm thấy khó chịu, Đông y gọi là tì vị hư nhược. Theo góc độ lâm sàng, những người có thể chất dương hư dễ bị loét dạ dày hơn người có thể chất âm hư. Ngược lại, người có thể chất âm hư lại dễ mắc viêm dạ dày mãn tính hơn.
Bệnh dạ dày hay phát về mùa lạnh vì vậy nếu đau lâm râm do tì vị hư hàn thường được khuyên chườm ấm. Người bệnh nên ăn vị bổ ấm như bao tử heo nấu cháo cho thêm gia vị hành, tiêu, gừng. Uống nước gừng, hoặc nhục quế, sa nhân mỗi vị 5 – 10g uống ấm… Các món canh, cháo súp nấu từ thịt, cá, rau củ quả đều cho thêm gia vị cay ấm như gừng, hành, nghệ để tăng thêm tính ấm dạ dày bớt đau. Nếu thấy bụng nóng nên ăn mát cho dễ chịu. Lúc này nên ăn các vị bổ mát vị như các món chế biến từ đậu mè, gạo, ngô khoai… nên ăn nhiều thức ăn mát như cải bắp, khoai tây, bí đao, xà lách, súp lơ, bí xanh, rau má, dưa hấu, dưa chuột, mộc nhĩ… Uống bột sắn dây, nước mía, sinh tố trái cây tươi.
Khi đang đau dạ dày nên ăn các vị có tác dụng làm trung hoà axit dịch vị như bánh quy, bánh mì, mật ong, phấn hoa, dầu thực vật và ăn cháo, súp, cơm mềm, thịt nạc, trứng, sữa. Nếu viêm loét dạ dày nên ăn bột nghệ mật ong; Bắp cải luộc ăn cả cái và nước; Bao tử heo tiềm hạt sen; Canh khoai tây cà rốt. Những người đau dạ dày kèm ngủ kém nên ăn hạt sen hầm nấm mèo, táo đỏ, hoặc hầm bao tử heo. Xương heo nấu canh củ sen hoặc rau nhút. Gà nhồi xôi hạt sen. Nếu bụng đầy, chậm tiêu nên ăn lá mơ lông, rau tía tô, mùi, húng quế, tỏi, nghệ, các loại rau thơm, uống lá vối, vỏ quýt.
Người đau dạ dày không nên ăn đồ ăn sẵn như lạp xưởng, khô mực, dăm bông, không ăn hoa quả quá chua hay thức ăn sống, nguội lạnh. Không nên ăn quá cay, quá mỡ mà sinh khó tiêu.
Lương y Nguyễn Văn Phúc (Nguyễn Tri Phương, Vũng Tàu)