Thực phẩm mát chữa các bệnh ngoài da

(khoahocdoisong.vn) - Mùa hè thời tiết nóng, bệnh ngoài da phát triển. Để trị bệnh ngoài da từ gốc, Đông y có nhiều bài thuốc hay, không độc, xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Chứng phát ban đỏ. Do biến chứng của cảm phong nhiệt dẫn đến mắc chứng ôn nhiệt. Bệnh từ khí phận xâm nhập vào huyết phận. Triệu chứng, toàn thân da dẻ nối mẩn từng đám đỏ to nhỏ không đều, đau đầu nôn mửa, khát nước. Điều trị, thanh nhiệt, giải độc, mát huyết, tiêu ban chẩn. Bài thuốc “Long đởm thạch cao thang”. Long đởm thảo 40g, bạch mao căn 30g, tri mẫu 20g, sinh địa 30g, kim ngân hoa 30g, sinh thạch cao 40g, đại thanh diệp 30g, huyền sâm 20g, cam thảo 10g, bồ công anh 40g. Đun với 3,5 lít nước lấy 1,5 lít, chia đều người lớn uống 5 lần trong ngày, trẻ em uống ½ liều của người lớn.

Chứng ngứa toàn thân. Do ra nắng khi vào ngứa toàn thân, có khi ngứa chịu không nổi gãi chảy cả máu. Điều trị, khu phong thấu tà giải uất nhiệt. Bài thuốc Ô sà khu phong thang. Ô sà 9g, kinh giới 9g, khương hoạt 9g, hoàng liên 6g, kim ngân hoa 12g, cam thảo 6g, thuyền thoái 6g, phòng phong 9g, bạch chỉ 6g, hoàng cầm 9g, liên kiều 12g. Ngày uống một thang, sắc uống 3 lần trong ngày, uống trước khi ăn và lúc đói.

Chứng rôm sảy. Đông y gọi chứng phi tử, thường phát sinh vào mùa hè do nóng bên ngoài cộng với nhiệt độc bên trong mà phát ra. Triệu chứng, bề mặt da nổi nhiều nốt đỏ hoặc mọng nước, bệnh thường xuất hiện ở thời gian viêm nhiệt hoặc thử nhiệt, hoặc làm việc ở nơi có nhiệt độ cao. Chứng này thường gặp nhiều ở trẻ em. Nếu nổi mụn đỏ điều trị, thanh lương giải độc. Dùng bài thuốc Chu thị phi tử thủy: Sinh đại hoàng 30g, bạch chỉ 9g, hoàng liên 9g, băng phiến 9g, hoàng cầm 10g, cồn 75% 500ml. Cách dùng, ngâm thuốc vào cồn 7 ngày đêm, lọc bỏ bã, lấy nước bôi lên chỗ rôm sảy, ngày bôi 2 lần sáng và chiều, bôi liền 3 ngày rôm sảy sẽ hết.

Những món ăn giải nhiệt trong mùa hè

Chè xanh: Đông y gọi là trà diệp, hồng trà. Chè xanh có vị ngọt đắng, tính hơi hàn, vào bốn kinh tâm, phế, tỳ, vị, có tác dụng, thanh nhiệt giáng hỏa, tiêu thực, gây hưng phấn trong khi lao động. Uống chè xanh có tác dụng trừ nhiệt ở thượng tiêu (tim và phổi), giảm bớt khát nước, làm tỉnh táo. Hồng trà đã sao khô có tác dụng tiêu thực, giảm tích trệ, còn có tác dụng trị chứng ỉa chảy thuộc nhiệt tả, chứng kiết lỵ do thấp nhiệt. Ngày dùng từ 8- 16g dưới dạng nước hãm. Người tỳ vị hư hàn, mắc chứng thủy thũng, người đang uống thuốc bổ Đông y không được dùng.

Đậu xanh: Đông y gọi lục đậu, vỏ đậu xanh gọi lục đậu y. Có vị ngọt, tính hàn, vào kinh vị, tâm, can. Nấu nước uống có tác dụng thanh thử nhiệt, giải độc ở dạ dày, tim, gan vào mùa hè. Nước đậu xanh còn có tác dụng đặc biệt là giải độc khi bị ngộ độc thuốc Đông y, Tây y hoặc khi ăn phải thức ăn bị ngộ độc. Uống để giải nhiệt ngày dùng 100g đun với 2 lít nước cho nhừ, chia đều uống 3-4 lần vào buổi trưa và buổi chiều trong ngày. Nếu có điều kiện, có thể cho thêm 50ml mật mía có tác dụng điều hòa bồi bổ tỳ vị. Nếu để giải độc ngày dùng 200g, đun với 2 lít nước cho bệnh nhân uống liên tục, khi bệnh nhân nôn ra chất độc hoặc đại tiện ra chất độc, thì không uống nữa. Nếu chưa nôn, hoặc chưa đại tiện cứ cho uống tiếp. Chú ý, khi dùng để chống độc, không được cho mật vào, ngọt làm chất độc dễ hấp thụ vào tỳ vị càng ngộ độc nặng hơn. Người tỳ vị hư hàn không được dùng đậu xanh để giải độc.

-Mía: Đông y gọi là cam giá, cam chấp (nước mía). Cây mía rửa sạch dùng tươi, có vị ngọt, tính bình vào kinh phế, tỳ vị, tâm, can. Theo kinh nghiệm, mía đỏ đi vào tâm nhanh hơn, mía trắng đi vào phế nhanh hơn, mía có màu vàng đi vào tỳ vị nhanh hơn. Mía có tác dụng thanh thử nhiệt vào mùa hè, nhuận táo bón, sinh tân dịch, chỉ khát. Điều hòa vị khí, trợ tỳ, tiêu đờm, trị ho, bồi bổ dịch vị để trị chứng dịch vị kém làm miệng khô, ít nước bọt. Nước mía thường dùng vào buổi trưa hoặc chiều lúc nắng gắt là tốt nhất. Chú ý khi đang nóng thấy họng khô không được bỏ đá vào nước mía, làm nước mía lạnh gây viêm họng cấp. Không được uống nước mía trước khi ăn trưa, vì nước mía nhanh chóng hấp thụ vào tỳ vị gây no giả tạo. Sau khi uống nước mía không được uống rượu bia vì làm tăng nồng độ rượu dễ say. Người ăn uống khó tiêu, đại tiện phân lỏng không được dùng nước mía, trẻ em ăn nhiều mía dễ mắc chứng cam răng. 

-Sắn dây: Có vị ngọt, tính bình, vào kinh vị và bàng quang. Có tác dụng giải biểu, thanh nhiệt, chỉ khát. Trị chứng cảm mạo do nhiệt thử, đi lỵ ra máu do đại trường kết nhiệt, chứng sởi đậu mới phát, bệnh nhân sốt cao. Trẻ em người lớn sốt cao lấy 30g sắn dây tươi, bóc bỏ vỏ, rửa sạch dã nhuyễn, lấy nước đun sôi để nguội hòa đều, vớt bỏ bã, cho bệnh nhân uống ngày 2 lần. Hoặc lấy 15g bột sắn dây khô hòa với nước đun sôi để nguội, cho bệnh nhân uống để hạ sốt. Mùa hè người mắc chứng bàng quang nhiệt, nước tiểu đỏ hoặc đái giắt, uống nước sắn dây 3-4 ngày sẽ khỏi. Củ sắn dây tươi luộc chín ăn, có tác dụng điều hòa dinh vệ khí huyết chống mệt mỏi. Chú ý, người âm hư hỏa vượng, người trên thực, dưới hư không được dùng.

TTND. BS cao cấp Nguyễn Xuân Hướng

Theo Đời sống
Day huyệt hạ huyết áp

Day huyệt hạ huyết áp

Để chữa cao huyết áp, ngoài việc dùng thuốc, thay đổi lối sống, y học cổ truyền có một phương pháp rất độc đáo mà ít người biết đến đó là việc tự xoa bóp huyệt vị.
back to top