Từ xa xưa, khi bị cảm lạnh, người dân thường dùng đồng xu để cạo gió, nhờ đó khỏi bệnh. Giải thích về điều này, lương y Bùi Hồng Minh (Phó chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội) cho hay cạo gió thực chất có dựa theo học thuyết âm dương, kinh lạc trong y học cổ truyền để phòng và chữa trị bệnh tật.
Để thực hiện, người ta thường dùng đồng xu bạc hoặc dây chuyền bạc. Ngoài ra, người ta cũng dùng bờ của những vật có cạnh hình cung tròn và nhẵn nhụi như thìa nhôm, tiền kim loại, miệng chén, bát,… để tác động lên các vị trí thích hợp khác nhau trên cơ thể.
Bác sĩ Cao Thị Thanh Hương, Phó giám đốc Trung tâm Thừa kế Ứng dụng Hội Đông y Hà Nội, Trưởng phòng khám Đông y, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp, giải thích thêm khi gặp gió, gặp lạnh hoặc thay đổi nhiệt độ đột ngột, cơ thể có phản ứng co thắt để bảo vệ cơ thể, gây ứ đọng huyết độc, khí độc gây đau người, nhức mỏi, nhức đầu, mỏi mệt,… Lúc này, cạo gió tác động lên vùng cơ bị nhức mỏi kết hợp tính nóng của dầu xoa làm giãn cơ, giúp lưu thông khí huyết.
Tuy nhiên, lương y Hồng Minh lưu ý cạo gió có tác dụng tốt nhất khi sử dụng đồng xu có chất liệu bạc. Bởi theo các chuyên gia hóa học, cảm là trạng thái con người nhiễm các khí độc qua “da”, các khí đó hầu hết là hợp chất của lưu huỳnh. Khi cạo gió bằng bạc, chất liệu này sẽ tác dụng với các khí của lưu huỳnh tạo thành hợp chất có màu đen. Đó là lý do sau khi cạo gió, đồng bạc hoặc vòng bạc bị đen. Bên cạnh đó, bạc cũng có tác dụng diệt khuẩn, do đó, chúng khá an toàn với cơ thể.
Lương y Bùi Hồng Minh (Phó chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: HQ.
Khi cạo gió người bệnh để lộ da chỗ cần cạo. Người cạo bôi dầu lên mặt da người bệnh, tay cầm vật cạo để góc 90 hoặc 45 độ rồi tiến hành cạo.
Vị trí cạo là dọc hai bên cổ gáy, từ cổ dọc xuống đến vai, dọc hai bên cột sống rồi tỏa ra hai bên mạng sườn, kín hết lưng. Nếu người bệnh ho, ngứa cổ họng có thể cạo thêm dọc xương mỏ ác ở ngực. Nếu bụng lạnh đau, cạo thêm vùng bụng, nếu nhức dọc chi trên nên cạo thêm cánh tay và cẳng tay. Mỗi bộ phận cạo khoảng từ 3 đến 5 phút sẽ thấy nổi vết đỏ tím
Theo bác sĩ Hương, cạo gió chỉ có hiệu quả trong trường hợp bị cảm lạnh. Khi cạo tránh chỗ gió lạnh, mùa đông chú ý giữ ấm, mùa hè không được để quạt thổi vào người bệnh. Phải khử trùng vật cạo trước và sau khi cạo. Cấm cạo chỗ có vết lở loét, da có độ mẫn cảm quá cao.
Những trường hợp khác, đặc biệt bệnh nhân tim, cao huyết áp, phụ nữ có thai và người bị các bệnh da liễu ở những vị trí cần cạo gió tuyệt đối không được cạo gió.
Trường hợp bị cảm lạnh nhưng cơ thể có dấu hiệu suy nhược cũng cần tránh cạo gió để tránh mất huyết, vỡ mạch, ép cơ thể phải sản sinh ra huyết nhiều hơn.
Theo Zing.vn