Báo cáo Nghiên cứu Đánh giá Khu vực Kinh tế Tư nhân Việt Nam (CPSD), do IFC và Ngân hàng Thế giới vừa công bố nhận định đại dịch Covid-19 khiến nguồn lực của chính phủ, vốn hạn chế, đã được ưu tiên cho chăm sóc y tế và hỗ trợ sinh kế trong đại dịch.
Khu vực tư nhân mới nổi và năng động của Việt Nam đã chứng tỏ được khả năng chống chịu trong đại dịch Covid-19, giúp Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia đạt được tăng trưởng dương trong năm 2020.
Do đó, cần phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách để tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển và dẫn dắt nền kinh tế dịch chuyển sang lộ trình tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo, chất lượng cao và bền vững.
Ngân hàng thế giới cho rằng, kho vận, điện, giáo dục và đào tạo kỹ năng, kinh doanh nông nghiệp và du lịch là những ngành có tiềm năng mạnh mẽ để khu vực tư nhân tham gia.
Đầu tư tư nhân trong những ngành này có thể giúp giảm nhẹ gánh nặng ngân sách Nhà nước và góp phần xanh hóa hạ tầng và sản xuất thông qua các khoản đầu tư mới vào năng lượng tái tạo và các giải pháp thông minh về khí hậu.
Báo cáo của Ngân hàng thế giới cũng nhìn nhận, doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam hầu hết là các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ, với số lượng nhân viên ít hơn 50 người, kém hiệu quả hơn so với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; hạn chế về đổi mới sáng tạo và chưa tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Để thúc đẩy kinh tế tư nhân, Báo cáo cho rằng cần giảm bớt rào cản về gia nhập thị trường và cạnh tranh, cải thiện vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu, đa dạng hóa sang các ngành thâm dụng tri thức, giải quyết thiếu hụt về kỹ năng, và đẩy mạnh số hóa trong nhiều ngành.
Báo cáo khuyến nghị chương trình cải cách cần tập trung vào những lĩnh vực quan trọng như tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa tất cả các doanh nghiệp, thúc đẩy cơ hội tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, mở rộng nguồn vốn dài hạn.