Hợp tác công tư thúc đẩy kinh tế số
Kinh tế số là nội dung trong 6 chuyên đề chính bàn thảo tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019. Những vấn đề khác gồm Du lịch, Hiệp định CPTPP, Vốn - Tài chính, Nông nghiệp, Khởi nghiệp. Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam năm 2019 này thu hút sự tham dự của đại diện Chính phủ, hơn 50 đại diện lãnh đạo địa phương, bộ ngành, và hơn 2.500 doanh nghiệp, cùng hàng trăm chuyên gia, nhà quản lý.
Theo bà Trần Thị Lan Hương – chuyên gia quản trị công cao cấp của Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam - hợp tác công tư trong vận dụng nền tảng dữ liệu vào hạ tầng kết nối sẽ thúc đẩy kinh tế số. Chuyên gia World Bank dẫn kinh nghiệm thế giới cho biết, về các giải pháp sáng tạo, các doanh nghiệp nhỏ tỏ ra hiệu quả hơn doanh nghiệp lớn. Do đó, hợp tác công tư trong thúc đẩy kinh tế số dù giúp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân cùng có lợi, nhưng “đầu bài” - những nội dung hợp tác - cần được xác lập và đánh giá đầy đủ về hiệu quả hợp.
Bổ sung vào quan điểm này, ông Đặng Tùng Sơn - Tổng giám đốc CMC Telecom - khẳng định sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân giúp kinh tế số “cất cánh”. Trong tư cách doanh nghiệp công nghệ thông tin, ông Sơn cho rằng cần phải xây dựng những trung tâm dữ liệu lớn (datacenter), nơi lưu trữ, chuyển đổi dữ liệu, cung cấp không chỉ cho Việt Nam mà cả khu vực tiểu vùng sông Mê Kông. Đồng thời, doanh nghiệp tư nhân cần được tham gia xây dựng trạm chung chuyển Internet, để gia tăng tốt hơn hiệu quả từ mảng kinh doanh này.
Một cách tổng quát, Tiến sĩ Brian Hull - Tổng Giám đốc ABB Việt Nam - nhận định có bốn việc cần thực hiện để phát triển kinh tế số tại Việt Nam. Trong đó, Việt Nam cần thúc đẩy kinh tế số ở mọi thành phần. Hàng năm, nên tổ chức những cuộc thi tìm ra những nhà sản xuất tốt nhất, công nghệ, nhân lực giỏi nhất.
Thứ hai là tìm ra giải pháp thúc đẩy việc áp dụng công nghệ ở cả bộ phận doanh nghiệp vừa và nhỏ. Lý do vù những doanh nghiệp này sẽ khó có đủ tiềm lực để tìm hiểu và triển khai công nghệ mới. Thứ ba là phải đảm bảo an toàn an ninh mạng để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước và toàn cầu khi hội nhập kinh tế số. Cuối cùng là phát triển nhân lực làm tiền đề cho phát triển kinh tế số. Tiến sĩ Brian Hull cho rằng Chính phủ cần đóng vai trò dẫn dắt, làm gương trong phát triển kinh tế số.
Theo Tiến sĩ Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - việc tạo lập môi trường thể chế, để tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh có cơ hội sáng tạo là quan trọng nhất trong cách mạng 4.0 và phát triển kinh tế số. Do đó, theo Tiến sĩ Hiếu, tới đây, khi sửa đổi Luật Doanh nghiệp, sẽ phải đơn giản hoá một số điều kiện gia nhập thị trường. Cụ thể là việc gia nhập thị trường của doanh nghiệp sẽ chỉ cần qua một cổng duy nhất để hoàn thiện các thủ tục. Cùng với đó sẽ là các hoạt động nhằm nâng cao quản trị số trong quản trị doanh nghiệp...
Cách mạng số, nhưng vẫn… dùng tay
Một số liệu khá hài hước được dẫn tại diễn đàn bởi bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó cục trưởng Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương). Theo bà Huyền, trong 5 năm gần đây, thương mại điện tử tăng trưởng với tốc độ 25-30% mỗi năm. Tới năm 2018, tổng giá trị giao dịch thương mại điện tử đã đạt 8 tỷ USD. Tuy nhiên, dù khoái mua hàng qua mạng, thì đa số người Việt vẫn thanh toán tiền mặt khi nhận hàng. “Chỉ 3-5% lượng giao dịch sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt, với tỷ lệ thanh toán trực tuyến chiếm tỷ trọng rất thấp, đến 80% khách hàng hiện vẫn dùng phương thức nhận hàng trả tiền” – bá Huyền cho biết.
Do đó, theo đại diện Bộ Công Thương, Chính phủ cần có hành lang pháp lý để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, cũng cần có những giải pháp nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, thay đổi niềm tin của khách hàng với quy trình thanh toán không dùng tiền mặt.
“Mơ đưa mọi dịch vụ ngân hàng lên điện thoại”, ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Thanh toán (NHNN) – nói như vậy trong ý kiến thảo luận về thanh toán không dây. Nêu quy tắc 3-1-0, đại diện NHNN cho biết đây là yêu cầu để mọi nghiệp vụ phải hoàn thành trong thời gian 3 phút, ứng dụng phải đáp lại yêu cầu trong thời gian 1 giây, và không có sự can thiệp trong quy trình này. Tuy nhiên, ông Dũng xác nhận, để triển khai áp dụng được quy tắc đơn giản, dễ nhớ này, lại là “điều không dễ".
Lý do, đại diện NHNN cho biết có từ thói quen sử dụng tiền mặt của người tiêu dùng, dù công nghệ thanh toán đã tiện lợi hơn rất nhiều. Đồng thời với đó, là hành lang pháp lý đang đi chậm hơn so với công nghệ từ 3-5 năm. Do đó, nếu không có những cơ chế thí điểm quản lý, thì sẽ khó theo kịp với sự phát triển của công nghệ.
Muốn áp dụng thanh toán điện tử cho các dịch vụ như điện, y tế, giao thông..., đại diện NHNN cho rằng cần xây dựng được cơ sở dữ liệu lớn và cơ quan quản lý cần cơ chế chia sẻ dữ liệu này. Trong đó, các cơ quan quản lý, bộ, ngành sẽ chia sẻ thông tin khách hàng, tạo ra một cơ chế thanh toán thông suốt.
Theo ông Nguyễn Đình Lợi, Chuyên viên Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), hiện cơ quan này đang cùng Bộ TT&TT xây dựng nghị định về định danh và xác thực điện tử. Trong đó quy định rõ về quyền định danh và xác thực điện tử, quy trình và mức độ này giữa các cơ quan nhà nước, và cơ quan, doanh nghiệp, người dân... như thế nào.
Theo ông Lợi, hiện Chính phủ đã nhận thức được vai trò trong giao dịch điện tử giữa khu vực công và tư. Và đặt mục tiêu lập hệ thống cổng phục vụ cho định danh và các thực điện tử tại Việt Nam, và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Ông nhấn mạnh việc định danh và xác thực điện tử không chỉ tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp mà còn tiết kiệm được kinh phí đầu tư. Nếu Việt Nam xây dựng được một hệ thống định danh dùng chung có thể giảm lượng giấy tờ, số lần phải tiếp xúc với cơ quan quản lý nhà nước của doanh nghiệp, người dân.