Thú vui thưởng trà của Vua chúa Việt

Uống trà, thưởng trà ở nước ta thời xưa phổ biến từ chốn bình dân bách tính đến nơi cung đình thâm nghiêm. Vua chúa các đời luôn coi trọng thức uống này, góp phần tạo nên một nét "văn hóa uống trà" của riêng người Việt.

Ngược dòng sử sách, vào các thời Lý, Trần, Lê sơ (thế kỉ XI-đầu XVI), thú vui thưởng trà được lan tỏa trong đời sống sinh hoạt chốn cung đình.

Đồ ngự dụng thời Lý, Trần, Lê sơ

Theo tìm hiểu của PV Khoa học và Đời sống, các nhà khảo cổ học đã khai quật được ở Hoàng thành Thăng Long nhiều đồ ngự dụng thời Lý, Trần, Lê sơ, trong đó có nhiều đồ gốm sứ thuộc trà cụ (dụng cụ pha trà). Điều đặc biệt là hầu hết những sản phẩm gốm ngự dụng thời Lê sơ đều có đề chữ Quan và trang trí hình rồng chân có 5 móng.

Thú vui thưởng trà của Vua chúa Việt  ảnh 1Một số trà cụ thời Lý-Trần (thế kỉ XI-XIV). Ảnh: Báo ảnh Việt Nam.

Đến thế kỉ XVII, một người phương Tây nhiều năm sống ở Đàng Ngoài là Samuel Baron đã viết trong tác phẩm “Mô tả vương quốc Đàng Ngoài” rằng: Trong giới quý tộc "thường uống loại chè bản địa gọi là chia-bang và chia-way. Chia-bang được chế từ lá còn chia-way được chế từ nụ và hoa, sau khi đã sao và tẩm. Người ta đun nước sôi lên để pha chè và uống nóng. Loại chia-way có vị ngon". Theo mô tả này thì chia-Bang là trà Bạng còn chia-way có thể là trà Mạn.

Theo “Vũ trung tùy bút” của Phạm Đình Hổ, sang thế kỉ XVIII, thú uống trà Tàu được người Việt sùng chuộng đến mức “Các nhà quý tộc, các bậc công hầu, các con em nhà quý thích đều đua chuộng xa xỉ, có khi mua một cái ấm chén, phí tổn đến vài mươi lạng bạc. Thường có nhiều người qua chơi các hiệu chè, thăm dò các phố buôn, vác tiền hết quan ấy đến chục khác để mua chuốc lấy chè ngon. Kẻ thì ưa thanh hương, người thì thích hậu vị, kén hiệu trỏ tên mà mua cho được để bày khay chén ra nếm thử. Thậm chí có kẻ đặt tiền sẵn để mua cho được hiệu chè Chính Sơn, gửi tàu buôn để đặt cho được kiểu ấm chén mới lạ, cách hiếu thượng đến thế là cùng cực”.

Chúa Trịnh Sâm đam mê trà tới mức xem mình là “Trà nô”

Trong cung đình, Chúa Trịnh Sâm đam mê trà tới mức tự xem mình là "Trà nô" (kẻ nô tài của trà). Đời truyền rằng Chúa tự coi mình là nô bộc của trà nên hàng sáng khi Chúa ngự trà, Tuyên phi Đặng Thị Huệ tự tay quạt lò đun nước cho chồng, còn Chúa tự mình hãm trà ngự thưởng chứ không sai khiến người hầu. Trà cụ (đồ uống trà) của Chúa đều do Chúa tự thiết kế mẫu và ký kiểu (gửi kiểu mẫu đặt làm) riêng tại lò sản xuất trà cụ Cảnh Đức trấn (Trung Quốc). Chúa còn đem triết lý trà nô vào trong các buổi ngự triều, dùng trà thay rượu để ban thưởng mỗi khi có ai đó trong các quan triều thần lập công.

Chúa Trịnh Sâm và Tuyên phi Đặng Thị Huệ thưởng trà tại Tả Vọng đình. Tranh minh hoạ của Hoạ sĩ Trịnh Quang Vũ.

Theo ghi chép của “Hải ngoại ký sự”, lúc bấy giờ, ở Đàng Trong, chúa Nguyễn Phúc Chu cũng nổi tiếng thích uống trà. Nhà sư Trung Hoa là Thích Đại Sán trong chuyến đến Đàng Trong và được nhà Chúa tiếp kiến đã cho biết: "Ngày 1 tháng 4, Quốc Vương mở đàn chay dâng lễ, tự mình đến thắp hương, mời ta đến thuyết pháp... Nhà chúa tiến vào phương trượng tham bái... Nhà chùa dâng trà quả cơm chay, đều không dùng, đã có Nội Giám mang theo trà để ngự dụng".

Cầu kỳ bộ dụng cụ pha trà

Nghệ thuật thưởng thức trà trong cung đình phải hội đủ hàng chục yếu tố, trong đó quan trọng hàng đầu và không thể thiếu là bộ dụng cụ pha trà.

Theo nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn, một bộ đồ trà thời Nguyễn bao giờ cũng hội đủ các dụng cụ dùng cho việc pha trà và thưởng trà, gồm: Hỏa lò, siêu đồng nấu nước, hũ sành đựng nước pha trà, hũ đựng trà, ấm trà bằng đất nung và bộ đồ trà bằng sứ ký kiểu. Ngoài ra còn có than củi, trầm hương và vài loại bánh mứt để cuộc trà thêm phần ý vị.

Ấm vàng trong cung đình triều Nguyễn

Ấm vàng trong cung đình triều Nguyễn

Những ghi chép tản mạn của sử sách các đời, dù chưa toàn vẹn, nhưng đã phần nào phác họa vài nét đặc biệt trong bức tranh thưởng trà tinh túy của vua chúa Việt Nam thuở trước.

Theo Đời sống
back to top