Sáng 20/10, trong phiên khai mạc kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trình bày báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
Thủ tướng cho biết, dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 ở nhiều địa phương, với sự xuất hiện của biến chủng Delta lây lan nhanh, xâm nhập sâu vào nhiều trung tâm kinh tế, buộc ta phải áp dụng nhiều biện pháp chưa có tiền lệ, mạnh mẽ, quyết liệt để ưu tiên trên hết, trước hết bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân.
Thủ tướng cho biết kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát ở mức thấp, các cân đối lớn của kinh tế cơ bản được đảm bảo, thu ngân sách cả năm khả năng vượt dự toán, ước đạt khoảng trên 1,3 triệu tỉ đồng, vượt khoảng 22.200 tỉ đồng, bội chi ngân sách dưới 4%.
Tuy nhiên, bên cạnh đó là những tồn tại, hạn chế. Cụ thể, công tác phòng chống dịch có nơi, có lúc còn bị động, lúng túng, đặc biệt là khi dịch bệnh bùng phát diện rộng ở phía Nam.
Vẫn còn tình trạng thiếu nhất quán trong quy định, thực hiện quy định đi lại của người dân không thống nhất gây ách tắc, khó khăn trong sản xuất kinh doanh, đời sống người dân. Tiếp cận văcxin còn hạn chế, năng lực y tế cơ sở hạn chế, dẫn tới quá tải và nhiều ca tử vong trong giai đoạn đầu.
Dự kiến có 4/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chưa đạt được mục tiêu đề ra, GDP 9 tháng chỉ đạt 1,42%, kinh tế vĩ mô chịu nhiều rủi ro và sức ép, xuất hiện tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, lao động, thị trường tài chính, bất động sản, chứng khoán có thời điểm tăng nóng, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, lao động việc làm bị ảnh hưởng nặng nề.
Tình hình sản xuất kinh doanh và đời sống một bộ phận người dân gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong các khu cách ly, phong tỏa, các địa bàn tâm dịch.
Đời sống tinh thần, tâm lý của người dân bị ảnh hưởng, nhất là tại các địa bàn thực hiện giãn cách xã hội kéo dài.
Tỉ lệ nợ xấu có xu hướng tăng, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro, cơ cấu các ngành chuyển dịch chậm, khu vực dịch vụ còn khó khăn, dạy học trực tuyến còn nhiều bất cập, công tác đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng còn nhiều thách thức…
Công tác chỉ đạo điều hành thực hiện có lúc có nơi còn lơ là, chủ quan, bị động, lúng túng; còn hạn chế bất cập trong phân tích, dự báo tình hình trong vừa phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện quy định có lúc, có nơi thiếu nhất quán; thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, người dân còn phiền hà…
Từ thực tế đó, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu những tháng cuối năm 2021 mà Chính phủ đặt ra là sẽ tập trung vào công tác phòng chống dịch, đẩy nhanh tiến độ bao phủ tiêm văcxin, chuẩn bị thuốc điều trị cần thiết, nâng cao năng lực y tế, nhất là công tác điều trị và ở cơ sở;
Có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, phấn đấu kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc để tập trung khắc phục hậu quả của dịch bệnh và khôi phục, phát triển KTXH.
Rà soát tháo gỡ khó khăn vướng mắc thể chế, giảm thiểu chi phí; điều chỉnh linh hoạt chính sách tài khóa, tiền tệ, thúc đẩy nhanh vốn đầu tư công, kiểm soát giá cả thị trường; khôi phục thị trường lao động, đảm bảo cung ứng và lưu thông hàng hóa thông suốt.
Tập trung ưu tiên triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp.
Khơi thông mọi nguồn lực cho phòng, chống dịch và phát triển KTXH, bảo đảm an sinh xã hội. Sớm đưa học sinh trở lại trường học an toàn.
Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Thủ tướng cho biết, gồm 16 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường ; trong đó tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khoảng 6 - 6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; bội chi NSNN so với GDP khoảng 4%.
.